Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo Quốc hội 6 vấn đề nóng ngành xây dựng

05/06/2019 19:56 GMT+7
Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng đã có giải đáp rõ hơn về các vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến quy hoạch đô thị, sử dụng quỹ bảo trì...

Thứ nhất, về tình trạng điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện ở các đô thị hiện nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, điều chỉnh quy hoạch là một nội dung, một nhiệm vụ trong hoạt động quy hoạch và trong quá trình thực hiện quy hoạch. Điều chỉnh quy hoạch là: Do Nhà nước yêu cầu (chất lượng quy hoạch kém); Do người dân yêu cầu (không phù hợp quyền lợi của người dân); Do Nhà đầu tư yêu cầu.

Dư luận xã hội, cử tri và ĐBQH đang rất bức xúc về tình trạng điều chỉnh quy hoạch chạy theo nhà đầu tư, điều chỉnh tuỳ tiện: nâng tầng cao, nâng mật độ xây dựng làm gia tăng dân số, giảm không gian công cộng…gây quá tải lên hệ thống hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Về biện pháp khắc phục, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng cùng các địa phương cho thanh tra, kiểm tra, rà soát lại tất cả các quy hoạch phải điều chỉnh. Xem xét, xử lý nghiêm với các quy hoạch điều chỉnh nhưng vi phạm về quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. 

Thứ hai, về việc khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, tình trạng quy hoạch treo, dự án treo đang diễn ra ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng tới quyền lợi cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch và làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, gây bức xúc trong xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân của tình trạng này là do chất lượng của quy hoạch thấp, thiếu tính dự báo, thiếu căn cứ kế hoạch; Quy hoạch nhu cầu sử dụng đất vượt quá khả năng đáp ứng của các nguồn lực; công tác quản lý thực hiện quy hoạch thiếu kế hoạch dẫn đến có tình trạng cấp phép dự án tràn lan, theo phong trào không phù hợp với nhu cầu của thị trường về các sản phẩm bất động sản…

Về giải pháp khắc phục, Phó Thủ tướng nêu: “Trước hết phải tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch; Sau khi có quy hoạch được phê duyệt, các địa phương phải chủ động lập kế hoạch thực nghiệm quy hoạch (theo Nghị quyết 11 của Chính phủ). Trong đó xác định rõ lộ trình nguồn lực đầu tư (vốn ngân sách hay vốn xã hội) và các dự án ưu tiên để triển khai thực hiện; Phải gắn việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, phải xác định cơ cấu các sản phẩm bất động sản hợp lý; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện quy hoạch, phát hiện những bất cập xử lý kịp thời các vi phạm như: Thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định do lỗi của nhà đầu tư; Xử lý trách nhiệm các cán bộ quản lý gây ách tắc đến tiến độ, gây thiệt hại cho nhà nước, đầu tư…

Thứ ba, về vấn đề tăng dân số, gây áp lực lên hạ tầng các đô thị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, xu hướng tập trung hoá đô thị đang tăng nhanh. Trong đó, người dân dịch chuyển về các đô thị lớn tìm kiểm việc làm, chất lượng cuộc sống tốt hơn.

“Riêng TP. HCM – Hà Nội mỗi năm tăng dân số cơ học 200 ngàn người, 5 năm tăng thêm 1 triệu người, bằng một đô thị trung bình. Mặt khác dân số các quân nội thành hiện đang rất cao, trung bình khoảng 1,2 triệu người”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.  

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc đầu tư hạ tầng không theo kịp tốc độ tăng dân số, do đó gây ùn tắc giao thông, áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cấp – thoát nước, xử lý nước thải, …), gây ô nhiễm môi trường, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân. Để khắc phục, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng đưa ra: Trước mắt, sẽ kiểm soát chặt chẽ nhà cao tầng, mật độ xây dựng; Quy hoạch các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để thu hút người dân; Bố trí nguồn lực để chuyển các cơ sở ô nhiễm, trụ sở cơ quan nhà nước.

Kế hoạch dài dài hạn: Xây dựng chiến lược phát triển đô thị quốc gia; Phát triển đồng bộ hệ thống đô thị với phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế; chú trọng đầu tư hạ tầng nhằm tạo ra các khu đô thị đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn người dân.

Thứ tư, về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại dự án số 8 Lê Trực, Phó Thủ tướng cũng thắng thắn chỉ rõ, vụ việc này thuộc trách nhiệm của UBND TP. Hà Nội.  Nhiều lần Thủ tướng CP đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội xử lý nghiêm  sai phạm của công trình này. UBND TP. Hà Nội cũng đã tập trung xử lý, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xong.

Sai phạm tại công trình 8B Lê Trực nhiều năm không được xử lý triệt để. 

Vì vậy đề nghị Bộ Xây dựng cùng với các cơ quan liên quan phối hợp với UBND TP. Hà Nội xử lý dứt điểm những sai phạm trong xây dựng công trình đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân trong quá trình quá trình xử lý cũng như trong quá trình sử dụng công trình, bảo đảm không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.

Cùng với đó đề nghị UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan kiểm tra xử lý việc vi phạm tại khu nhà ở HH Linh Đàm theo đúng quy định pháp luật đảm bảo quyền lợi của cư dân trong khu nhà này.

Thứ năm, về quản lý vận hành nhà chung cư, hiện tại có nhiều tranh chấp ảnh hưởng tới quyền lợi của cư dân, Phó Thủ tướng cho biết, đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các bộ ngành liên quan, đặc biệt là UBND các địa phương (đặc biệt là Hà Nội, TP. HCM) thực hiện nghiêm chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư. Xử lý nghiệm các vi phạm đặc biệt là vi phạm về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, đảm bảo quyền lợi của cư dân.

Thứ sáu, về các giải pháp khắc phục ách tắc trong thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình xây dựng.

Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng cho rằng, để giảm thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán của các cơ quan chuyên môn về xây dựng.

Đặc biệt yêu cầu tập trung 1 số giải pháp như: Hoàn thiện pháp luật về xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp cho các địa phương; Lồng ghép các nội dung thậm định dự án để giảm thiểu thời gian thẩm định; Cải cách TTHC, áp dụng cơ chế một cửa liên thông để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư; Tổ chức bộ máy chuyên môn về xây dựng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả; Xử lý nghiêm các cán bộ gây phiền hà sách nhiễu trong thi hành công vụ.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục