Phòng chống buôn lậu sang Trung Quốc, giá lợn trong nước sẽ giảm

21/11/2019 17:53 GMT+7
Bất chấp lệnh cấm, thời gian qua, do được trả giá cao, nhiều thương lái vẫn buôn lợn theo đường tiểu ngạch qua Trung Quốc. Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng đánh giá, điều này đang làm giá lợn trong nước tăng khó kiểm soát, nguồn cung cho thời gian cuối năm sụt giảm nghiêm trọng.

Trung Quốc trả giá lợn cao gấp đôi

Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có thông báo yêu cầu doanh nghiệp và người chăn nuôi tuyệt đối không được xuất khẩu lợn sang Trung Quốc.

Sau đó, Bộ NN&PTNT cũng gửi công văn đến Ban Chỉ đạo 389 guốc gia, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn từ Việt Nam sang các nước láng giềng.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nguồn cung thịt lợn tại Trung Quốc cũng thiếu hụt trầm trọng do khủng hoảng bởi dịch tả lợn châu Phi. Được biết, phía Trung Quốc đã phải tiêu hủy khoảng 200 triệu con lợn nên giá thịt lợn đã bị đẩy lên cao chưa từng có.

Phòng chống buôn lậu sang Trung Quốc, giá lợn trong nước sẽ giảm - Ảnh 1.

Bất chấp lệnh cấm, nhiều thương lái vì lợi ích cá nhân vẫn xuất lợn qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Từ mức giá 44.000 đồng/kg tháng 1/2019 nay giá thịt lợn hơi xuất chuồng, hiện nay, mức giá tại thị trường này đã gần chạm mốc 140.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại Việt Nam.

Trước mức giá "hời", nhiều thương lái bất cấp lệnh cấm trước đó của Bộ NN&PTNT ồ ạt đưa lợn sống, thịt lợn vượt biên sang Trung Quốc.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP cho biết, hiện nay, đang xuất hiện tình trạng xuất khẩu lợn sang Trung Quốc, trong đó có cả lợn thịt và lợn giống (loại lợn 10-30kg).

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Tổng cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương thông tin thêm, cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, bắt giữ xe ô tô tải mang biển kiểm soát 14C-128.63 do ông Chìu Cắm Hếnh (thôn Khe Và, xã Tĩnh Húc, Bình Liêu, Quảng Ninh) là người điều khiển vì có hành vi xuất lậu hàng hóa qua biên giới.

Qua kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện và tiến hành tạm giữ toàn bộ số thịt, nội tạng lợn… và phương tiện.

Cụ thể, kiểm đếm thực tế trên xe đang vận chuyển số hàng gồm: chân lợn đông lạnh, loại 20kg/1 bao, không có nhãn hàng hóa, số lượng 145 bao: 2.900 kg; lòng lợn ướp muối, loại 20kg/1 bao, không có nhãn hàng hóa, số lượng 108 bao: 2.160 kg.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng thừa nhận, thời gian qua, giá trung bình cả nước khoảng 60.000-67.000 đồng/kg lợn hơi, cá biệt có nơi đã lên tới 75.000-80.000 đồng/kg.

Theo ông Tiến, nguyên nhân của tình trạng trên là do khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương, nhất là ở những khu vực tiêu thụ lợn thịt tại chỗ do người chăn nuôi không bán lợn ra thị trường.

Bên cạnh đó, hiện tượng vận chuyển lợn theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc gây ra hệ lụy rất lớn. Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu và hàng giả, hàng nhái 389 và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.

Không kiểm soát tốt, Tết 2020, người Việt phải gói bánh chưng bằng lợn đông lạnh

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các doanh nghiệp luôn kêu gọi các Bộ, Chính phủ không nhập khẩu thịt lợn. Hiện nay, trong bối cảnh thiếu nguồn cung nghiêm trọng, vì lợi ích quốc gia, doanh nghiệp cũng không được xuất lợn qua đường tiểu ngạch bởi trong nước giá đang rất tốt và đang thiếu.

Ngoài ra, điều khiến Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lo lắng hơn nữa là phía Trung Quốc vẫn còn dịch, việc xuất tiểu ngạch rất khó kiểm soát thú y, do đó, nguy cơ dịch bệnh lại lây nhiễm chéo trở lại Việt Nam rất cao, thậm chí là những loại dịch bệnh mới, chủng mới, dòng mới nguy hiểm hơn.

"Nếu chúng ta không có giải pháp đồng bộ, thị trường thực phẩm sẽ bị đảo lộn, chắc chắn sẽ rối loạn thị trường thịt lợn dịp cuối năm và năm sau. Việc đảo lộn trước mắt thiệt hại cho người chăn nuôi. Thứ hai, nếu thịt quá đắt người tiêu dùng sẽ tìm thực phẩm khác thay thế. Và một điều không ai mong muốn là phải nhập khẩu thịt trong trường hợp không còn cách nào khác", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Phòng chống buôn lậu sang Trung Quốc, giá lợn trong nước sẽ giảm - Ảnh 2.

Thịt lợn vẫn là thực phẩm không thể thiếu từ các bữa ăn hàng ngày đến các dịp lễ, tết.

Mới đây, tối 20/11, sau khi thống nhất giữa các cơ quan chức năng, Bộ Công Thương đã ra thông báo về giải pháp ứng phó tình trạng thiếu thịt lợn. Một số giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra như, hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng nhằm nhằm giữ nguồn cung cho thị trường trong nước. Bên cạnh đó, điều tiết hài hòa nguồn cung thịt lợn cho các vùng, miền nhằm hạn chế tình trạng tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường.

Đáng chú ý, trong số các giải pháp, Bộ Công Thương cũng đề nghị tăng cường tuyên truyền đến người dân về việc sử dụng các thực phẩm thay thế và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh.

"Các địa phương định hướng cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường việc đưa ra các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn mới (như thịt kho tàu, nhân bánh trưng, chân giò muối…) được chế biến từ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường." Bộ Công Thương thông tin.

Trước đó, chiều 18/11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp về tình hình giá cả thịt lợn và bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2019.

Tại buổi họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, mặc dù các bộ ngành, đã có giải pháp để tăng cường nguồn cung, tuy nhiên, vẫn cần chú ý nhu cầu, tâm lý tiêu dùng của người dân.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục