Quảng Nam: Di thực loại cây mỗi 1kg củ có giá 3 cây vàng về 5 huyện miền núi để trồng thử nghiệm

08/07/2021 11:00 GMT+7
Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao đối với người dân huyện Nam Trà My, vì mỗi kg củ sâm hiện nay có giá từ vài chục triệu đến cả 100 triệu đồng. Để bảo tồn, phát triển cây sâm, UBND tỉnh Quảng Nam đang triển khai di thực cây Sâm Ngọc Linh về 5 huyện miền núi trên địa bàn để trồng thử nghiệm.

Ngày 8/7, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ông đã ký công văn số 4143 để triển khai thử nghiệm di thực cây Sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My về các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang và Phước Sơn.

Quảng Nam: Di thực loại cây mỗi 1kg củ có giá 3 cây vàng về 5 huyện miền núi để trồng thử nghiệm - Ảnh 1.

UBND tỉnh Quảng Nam đang triển khai di thực cây Sâm Ngọc Linh về 5 huyện miền núi để bảo tồn, phát triển sâm (Ảnh CTV)

Theo đó, sau khi xem xét đề nghị của các UBND huyện nêu trên, UBND tỉnh đồng ý di thực Sâm Ngọc Linh để trồng thử nghiệm ra các khu vực khác có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với khu vực phát triển trồng sâm tại huyện Nam Trà My là rất cần thiết; làm cơ sở để khảo sát, đánh giá tiềm năng, khả năng thích nghi trước khi mở rộng diện tích trồng Sâm Ngọc Linh trong thời gian đến.

Do vậy, UBND tỉnh thống nhất chủ trương hỗ trợ cây giống Sâm Ngọc Linh cho các huyện Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn và Tây Giang, mỗi huyện 1.000 cây để thực hiện trồng thử nghiệm di thực cây Sâm Ngọc Linh trong năm 2021.

Quảng Nam: Di thực loại cây mỗi 1kg củ có giá 3 cây vàng về 5 huyện miền núi để trồng thử nghiệm - Ảnh 2.

Vườn sâm giống của Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam (Ảnh Trương Hồng)

Bên cạnh đó, các ngành chức năng của Quảng Nam đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh và các văn bản khác liên quan để tiến hành khảo sát chọn địa điểm, xây dựng và phê duyệt Phương án triển khai trồng thử nghiệm di thực Sâm Ngọc Linh trên địa bàn, trong đó, lưu ý việc tổ chức thực hiện phương án như giao đơn vị đủ năng lực thực hiện, công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ sau trồng,… phải đảm bảo chặt chẽ; gửi về Sở NNPTNT để chủ trì kiểm tra, lập thủ tục hỗ trợ cây giống theo quy định.

Quảng Nam: Di thực loại cây mỗi 1kg củ có giá 3 cây vàng về 5 huyện miền núi để trồng thử nghiệm - Ảnh 3.

Quảng Nam: Di thực loại cây mỗi 1kg củ có giá 3 cây vàng về 5 huyện miền núi để trồng thử nghiệm - Ảnh 4.

Cây Sâm Ngọc Linh giống (Ảnh Trương Hồng)

"Trong quá trình thực hiện phải tuân thủ các quy định liên quan về sử dụng môi trường rừng để trồng Sâm Ngọc Linh. Tuyệt đối không tác động đến cây rừng (kể cả cây tái sinh) và thực hiện đúng công tác quản lý, bảo vệ rừng trong khu vực trồng thử nghiệm cây Sâm Ngọc Linh.

Giao Hạt Kiểm lâm, chủ rừng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc trồng Sâm Ngọc Linh theo phương án được duyệt. Thường xuyên theo dõi, định kỳ hằng năm (trước 30/9) báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về tình hình sinh trưởng, phát triển của cây…, về Sở NNPTNT để theo dõi, tổng hợp…", công văn nhấn mạnh.

Quảng Nam: Di thực loại cây mỗi 1kg củ có giá 3 cây vàng về 5 huyện miền núi để trồng thử nghiệm - Ảnh 5.

Nghiên cứu Sâm Ngọc Linh (Ảnh Sâm Sâm)

Được biết, cây Sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sản phẩm Quốc gia, là "Quốc bảo" của Việt Nam. Do vậy, phát triển cây Sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ đạo để góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm đóng vai trò rất quan trọng.

Được biết, cây Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao đối với người dân huyện Nam Trà My, hiện mỗi kg sâm củ có giá giao động từ vài chục triệu đến cả 100 triệu đồng, riêng mỗi kg lá sâm cũng được bán đến 10 triệu/kg.

Quảng Nam: Di thực loại cây mỗi 1kg củ có giá 3 cây vàng về 5 huyện miền núi để trồng thử nghiệm - Ảnh 6.

Sâm Ngọc Linh được trồng tại huyện Nam Trà My (Ảnh CTV)

Đặc biệt, sau khi Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều chủ trương và ban hành nhiều cơ chế chính sách, để bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh.

Nhờ vậy, bước đầu đã góp phần bảo tồn nguồn giống gốc, tạo ra nguồn giống đáng kể cung ứng cho nhân dân và doanh nghiệp trong vùng trồng sâm. Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đã được xác định khoảng 16.000ha, đến nay diện tích thực tế trồng được gần 10.000ha và gần 20 doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh.

Quảng Nam: Di thực loại cây mỗi 1kg củ có giá 3 cây vàng về 5 huyện miền núi để trồng thử nghiệm - Ảnh 7.

Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất sao, hiện 1kg sâm củ có giá từ vài chục triệu đến cả 100 triệu đồng (Ảnh Trương Hồng)

Mục tiêu của Quảng Nam từ năm 2025 - 2030 sẽ trở thành Trung tâm giống Sâm Ngọc Linh Quốc gia; Hằng năm sản xuất ra được 5 - 10 triệu cây/năm giống Sâm Ngọc Linh (trong đó trên 50% là cây giống sản xuất từ phương pháp nuôi cấy mô) để cung cấp cho nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, có 50 - 100 doanh nghiệp đầu tư trồng sâm, dược liệu và chế biến sản phẩm, đón từ 5 - 10 triệu lượt khách đến tham quan vùng sâm, thu nhập bình quân đầu người từ 3.000 - 4.000 USD/năm.

Đến năm 2045, đưa nước Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất Sâm của Hàn Quốc; hằng năm sản xuất ra được từ 500 - 1.000 tấn.

Theo tài liệu nghiên cứu, sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis Haet Grushv. thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh.

Có thể nói rằng cả Thế giới chỉ có nước Việt Nam, cả nước chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 5 huyện, với 16 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là có sâm Ngọc Linh. Đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m được xem như nóc nhà của Tây Nguyên, có rừng nguyên sinh cùng với sự phong phú của hệ động, thực vật với các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh.

Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất Thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư,...

Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường,..



Trương Hồng
Cùng chuyên mục