Quảng Nam: Khởi nghiệp từ các đặc sản và quyết tâm gìn giữ, bảo tồn sản phẩm của đồng bào miền núi

18/08/2021 11:19 GMT+7
Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), anh Nguyễn Bá Hiển đã chọn hướng khởi nghiệp từ các sản phẩm miền núi và thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thiên Bình, nhằm nghiên cứu về cây ba kích tím và xây dựng nên các sản phẩm từ cây dược liệu này.

Giúp người dân miền núi có thu nhập ổn định

Anh Nguyễn Bá Hiển – Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thiên Bình (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết, năm 2017, HTX ra đời với tiền thân là Tổ hợp tác Chơ chim, là mô hình HTX kiểu mới đầu tiên ở Tây Giang, chuyên tổ chức ươm giống và sản xuất cây ba kích tím theo hợp đồng liên kết.

Quảng Nam: Người thổi hồn và đưa các đặc sản miền núi vươn xa - Ảnh 1.

HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình kinh doanh, sản xuất các sản phẩm nông sản đặc sản của người đồng bào Cơ Tu. Ảnh: Trần Hậu.

Hiện tại HTX đã có 13 thành viên. Diện tích trồng từ 11ha nay đã phát triển lên 52ha ba kích tím tại huyện Tây Giang, Quế Sơn - Quảng Nam, huyện Hướng Hoá - Quảng Trị, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi. Năm 2020, HTX tiếp tục liên kết với 10 hộ dân trồng ba kích và 5 hộ dân trồng chè dây nâng tổng số hộ liên kết lên thành 25 hộ.

Anh Hiển cho biết thêm, để phát triển và thực hiện tầm nhìn sứ mệnh của mình, chúng tôi đã thành lập Công ty Cổ phần Ranvi để tổ chức sản xuất, phân phối hàng hoá, bảo tồn bản sắc văn hoá cho cộng đồng 53 dân tộc thiểu số.

Quảng Nam: Người thổi hồn và đưa các đặc sản miền núi vươn xa - Ảnh 2.

Công nhân đang sơ chế sản phẩm măng khô. Ảnh: Trần Hậu.

Với các lĩnh vực kinh doanh chính tạo nên hệ sinh thái khép kín bao gồm: tổ chức sản xuất – chế biến sản phẩm – phân phối hàng hoá kết hợp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc dân tộc. Hàng năm công ty trích 50% lợi nhuận cho hệ thống giáo dục Academy - Thư viện sống động và chăm sóc sức khoẻ cho 53 dân tộc thiểu số. 

HTX Nông Lâm nghiệp Thiên Bình là đơn vị thực hiện nhiệm vụ liên kết tổ chức sản xuất ra các sản phẩm đặc trưng của người đồng bào Cơ Tu, còn Công ty Cổ phần Ranvi có nhiệm vụ phân phối sản phẩm ra thị trường. 

Quảng Nam: Người thổi hồn và đưa các đặc sản miền núi vươn xa - Ảnh 3.

Vườn ươm cây ba kích của HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Kim Ngọc.

Công ty Cổ phần Ranvi ngoài kinh doanh sản phẩm ba kích tím còn kinh doanh các sản phẩm đặc trưng khác của người đồng bào Cơ Tu như cao đảng sâm, cao ba kích, chè dây, măng rừng, tiêu rừng Tây Giang, thổ cẩm…

Hiện nay, công ty đang giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động thường xuyên tham gia sản xuất, bên cạnh đó còn liên kết với hàng chục người dân sản xuất, thu mua nông sản nhằm nâng cao thu nhập cho người đồng bào.

Xây dựng thương hiệu cho các đặc sản

Anh Hiển cho biết thêm, HTX đang dồn tâm huyết vào 2 sản phẩm là cao ba kích và chè dây Tây Giang để tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Với mục tiêu đó, HTX đã hoàn thiện công nghệ sản xuất cao ba kích, nhằm tạo sản phẩm cao có công dụng kích thích vị giác, giúp tiêu hóa tốt, ngủ ngon và giúp tăng cường sinh lực. Sản phẩm được đóng chai, gắn tem, nhãn mác lưu thông trên thị trường, đồng thời đưa sản phẩm cao ba kích tím trở thành sản phẩm OCOP của Tây Giang.

Quảng Nam: Người thổi hồn và đưa các đặc sản miền núi vươn xa - Ảnh 4.

Măng rừng Tây Giang được bán với giá 250.000 đồng/kg. Ảnh: Trần Hậu.

Công ty Cổ phần Ranvi đang xây dựng sản phẩm măng rừng Tây Giang thành thương hiệu đặc sản vùng Tây Giang, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người đồng bào Cơ Tu vào mùa măng, nhằm bảo vệ các vùng nguyên liệu tại Tây Giang, tránh tình trạng chặt phá, đốt tre, nứa để làm rẫy.

Hàng năm công ty cung ứng ra thị trường khoảng 10-15 tấn măng khô, luôn cam kết bình ổn giá, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng giá thu mua nguyên liệu đầu vào để giúp cho người dân có thu nhập ổn định. 

Công ty sẽ xây dựng chuẩn hoá quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp với chính quyền địa phương đề xuất phương án quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu tre nứa, đảm bảo cung cấp đủ số lượng măng khô cho thị trường. 

Quảng Nam: Người thổi hồn và đưa các đặc sản miền núi vươn xa - Ảnh 5.

Công ty Cổ phần Ranvi và HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình ngoài kinh doanh sản phẩm ba kích tím, còn kinh doanh các sản phẩm đặc trưng khác của người Cơ Tu như cao đảng sâm, cao ba kích, chè dây, măng rừng, tiêu rừng Tây Giang, thổ cẩm… Ảnh: Trần Hậu.

Công ty đang từng bước xây dựng hệ thống đại lý phân phối, cung cấp măng rừng Tây Giang đến các nhà bán lẻ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên khắp Việt Nam. 

Hiện nay, công ty đang thực hiện chế biến sạch, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, không dùng hoá chất, phẩm màu trong quá trình chế biến; phơi khô măng bằng ánh nắng mặt trời trực tiếp, không dùng máy sấy bằng điện ảnh hưởng đến chất lượng măng.

Về chất lượng măng sau khi phơi khô sẽ giữ được vị ngọt tự nhiên, măng có màu sẩm vàng, lát to khoảng 7-10cm, dài 15-20cm; măng khô có thể chế biến các món ăn như bún măng vịt, xào, món chay… hiện nay, trên thị trường măng rừng Tây Giang được bán với giá 250.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ đa phần là tại TP Tam Kỳ và một số ở các tỉnh, chủ yếu bán hàng online.

"Để các sản phẩm nông sản của người Cơ Tu phát triển bền vững, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện cho công ty tham gia giới thiệu sản phẩm măng rừng Tây Giang đến các hội chợ, triển lãm, các cửa hàng, siêu thị…, bên cạnh đó cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời quy hoạch để phát triển vùng nguyên liệu cho măng rừng Tây Giang". – Anh Hiển kiến nghị. 

Đoàn Hồng - Trần Hậu
Cùng chuyên mục