Quảng Nam: Nông Sơn phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị

14/10/2022 06:30 GMT+7
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn ưu tiên hỗ trợ các chủ thể phát triển mạnh sản phẩm OCOP nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế.

Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, kể từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), huyện Nông Sơn đã từng bước thực hiện các khâu triển khai, tập huấn, lựa chọn sản phẩm, phối hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cấp chất lượng, mẫu mã, đáp ứng bộ tiêu chí bắt buộc của chương trình.

Quảng Nam: Nông Sơn phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị - Ảnh 1.

Đến nay, huyện Nông Sơn đã có 10 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó có 9 sản phẩm đạt 3 sao, một sản đạt 4 sao. Ảnh: T.H.

Nông Sơn luôn tập trung đẩy mạnh công tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bằng cách triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện, ưu tiên các chuỗi giá trị tạo được vùng nguyên liệu cho các sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển và duy trì bền vững.

Quảng Nam: Nông Sơn phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị - Ảnh 2.

Sản phẩm bột ngũ cốc Hạt Thương của huyện Nông Sơn được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: T.H.

Quảng Nam: Nông Sơn phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị - Ảnh 3.

Sản phẩm bột ngũ cốc Hạt Thương của chị Đoàn Thị Thương ở xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H.

Kết quả là sau 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, huyện Nông Sơn đã có 10 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh.

Trong đó, có 9 sản phẩm đạt 3 sao gồm: bưởi trụ Đại Bình, dầu mè Đại Bình nguyên chất; thịt heo đồi Phước Ninh; vòng tròn trầm hương; bột ngũ cốc Hạt Thương, hương trầm Đại Bình - Quảng Nam; hạt sen Tây Viên; hương trầm Nông Sơn, bánh tráng Quế Lâm. Một sản phẩm đạt 4 sao là tượng trầm tâm linh.

Quảng Nam: Nông Sơn phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị - Ảnh 4.

Trầm hương là thế mạnh của huyện Nông Sơn trong phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: N.S.

Để đạt được kết quả trên huyện Nông Sơn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Những năm qua, huyện cũng đã kiện toàn, hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình OCOP từ huyện đến xã, đến các chủ thể tham gia chương trình, nhằm hỗ trợ các tổ chức kinh tế cộng đồng phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống.

Quảng Nam: Nông Sơn phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị - Ảnh 5.

Sản phẩm mứt vỏ bưởi Bà The - Đại Bình. Ảnh: T.H.

Hiện nay, huyện Nông Sơn còn rất nhiều sản phẩm tiềm năng khác được chọn để xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP như bút trầm hương; rượu nếp cẩm Sơn Viên; rượu sim Cao Hoàng; mứt vỏ bưởi trụ Đại Bình, đường thẻ Phú Gia.

"Vấn đề quan trọng nhất là phải tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm quảng bá hình ảnh, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP…, có như vậy mới nâng cao được giá trị kinh tế của sản phẩm. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn…", ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nói.


Trần Hậu - Đoàn Hồng
Cùng chuyên mục