Quảng Ngãi: Những đặc sản nào ở Nghĩa Hành trở thành sản phẩm OCOP chất lượng?

27/11/2024 16:42 GMT+7
Phát huy thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) đã nỗ lực thực hiện hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) giúp nâng tầm giá trị các loại đặc sản của quê hương.

Nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP

Ông Phan Công Huân – Trưởng phòng NNPTNT huyện Nghĩa Hành cho biết: "Chương trình OCOP huyện Nghĩa Hành giai đoạn 2021-2025 là một trong những chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm, giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của huyện nhà.

Quảng Ngãi: Những đặc sản nào ở Nghĩa Hành trở thành sản phẩm OCOP chất lượng? - Ảnh 1.

Nhiều đặc sản ở Nghĩa Hành được gắn sao OCOP. Ảnh: TCV

Những năm qua, huyện đã tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể tham gia OCOP qua các khâu: đào tạo tập huấn về kiến thức, kỹ năng phát triển sản phẩm OCOP, hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm".

Huyện Nghĩa Hành đã tạo điều kiện về nguồn vốn; huy động nguồn lực về đất đai, nhà xưởng, nguyên liệu, công nghệ, thiết bị... để hỗ trợ các Hợp tác xã, Tổ hợp tác và các hộ gia đình mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để có thêm nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Đồng thời tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững.

Quảng Ngãi: Những đặc sản nào ở Nghĩa Hành trở thành sản phẩm OCOP chất lượng? - Ảnh 2.

Nghĩa Hành có 10 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: CTV

Sau 6 năm triển khai Chương trình OCOP, huyện Nghĩa Hành có 10 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, gồm: Cơm cháy cá bống sông Trà, Bánh phồng cá bống sông Trà, Bánh tráng gạo Bảo Tiên, Chổi đót Hành Thuận, Bưởi da xanh, Chôm chôm, Sầu riêng, Chuối ngự Nghĩa Hành, Chanh hương muối Hành Dũng, Hạt sen khô Hành Thịnh.

Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã hoàn thiện về bao bì, nhãn mác, tem, chất lượng sản phẩm được kiểm định theo định kỳ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phát triển OCOP gắn với du lịch làng quê

Huyện phối hợp với các ban, ngành đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP của địa phương thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, các sàn thương mại điện tử, các hội chợ....

Quảng Ngãi: Những đặc sản nào ở Nghĩa Hành trở thành sản phẩm OCOP chất lượng? - Ảnh 3.

Nghĩa Hành đang phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung với tổng diện tích gần 800ha, với 4 loại trái cây chủ lực là bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng và chuối ngự đã được chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ thương hiệu. Ảnh: CTV

Với chất lượng ngày càng được nâng cao, các sản phẩm OCOP huyện Nghĩa Hành có doanh số bán hàng cao gấp 2-3 so với trước đây, góp phần gia tăng giá trị nông sản và tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Ông Huân cho hay, huyện Nghĩa Hành đang phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung với tổng diện tích gần 800ha, với 4 loại trái cây chủ lực là bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng và chuối ngự đã được chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ thương hiệu.

Từ thế mạnh đặc trưng này, địa phương đã và đang khuyến khích, tạo cơ hội để các chủ thể phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong xây dựng nông thôn mới.

Quảng Ngãi: Những đặc sản nào ở Nghĩa Hành trở thành sản phẩm OCOP chất lượng? - Ảnh 4.

Nghĩa Hành đã và đang khuyến khích, tạo cơ hội để các chủ thể phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn. Ảnh: CTV

Năm 2024, huyện Nghĩa Hành phấn đấu có từ 4-6 sản phẩm OCOP mới đạt hạng 3 sao trở lên và tổ chức đánh giá, công nhận lại 4 sản phẩm trái cây đã hết hiệu lực.

"Để hoàn thành mục tiêu, huyện chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; từng bước mở rộng quy mô sản xuất, tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi an toàn thực phẩm. Đồng thời xác định rõ những sản phẩm lợi thế, có tính cạnh tranh cao để chuẩn hóa, nâng hạng theo hướng sản phẩm tiềm năng xuất khẩu; khuyến khích các chủ thể tiếp tục đăng ký nâng hạng sao các sản phẩm từ 3 lên 4 sao...", ông Huân chia sẻ thêm.

Trần Hậu - Tuyết Nhung
Cùng chuyên mục