Quảng Ngãi: Đặc sản gừng gió Trà Bồng được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm
Sáng 29/10, xác nhận với PV Etime, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết đã đồng ý, cho phép sử dụng địa danh "Trà Bồng" và xác nhận bản đồ khoanh vùng sản xuất, để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm "Gừng sẻ (Gừng gió) Trà Bồng".
Theo đó cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi giao trách nhiệm cho UBND huyện Trà Bồng, chủ động phối hợp với Sở KH&CN, các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các bước tiếp theo, để đăng ký và hoàn tất việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm này.
Theo thông tin tìm hiểu của PV Etime, cũng như một số loại nông sản đặc sản khác, gừng gió (còn gọi là gừng sẻ) vốn mọc hoang dã ngoài tự nhiên ở khu vực rừng của huyện Trà Bồng.
Nói về tên gọi "gừng gió", theo lời giải thích của một số già làng nơi đây là do loài gừng này hay mọc (và sau đó được mang về trồng) trên khu vực núi trống và luôn có nhiều gió. Còn một số khác thì cho rằng, có lẽ do mùi thơm của nó theo gió bay đi rất xa... cho nên mới được đặt, gọi tên gừng gió.
Dù nguồn gốc tên gọi được giải thích có thể chưa chính xác, nhưng hương vị của gừng gió Trà Bồng so với cùng loại được trồng ở các nơi khác, thì khó nơi nào sánh bằng.
Có vị cay, ngọt nhẹ và thanh chứ không gắt, đặc biệt hương thơm đến nức mũi nên từ nhiều năm qua, gừng gió là một trong những loại đặc sản được người miền xuôi ưa chuộng và tìm mua mỗi khi có dịp đến Trà Bồng.
Sau một thời gian dài mọc tự nhiên, một số người dân trong tỉnh đã mang về trồng trong vườn nhà. Tuy nhiên theo lời các tiểu thương hay lên buôn bán ở Trà Bồng, chỉ có trồng ở vùng đất chính gốc của nó (khu vực núi Trà Bồng), loại gừng này mới cho hương vị thơm và ngon nhất.
Nơi được người dân Trà Bồng chọn trồng gừng gió là khu vực đồi, núi cao, đất cằn cỗi và trống trải cho nên củ gừng gió khi thu hoạch thường chỉ cỡ bằng củ hành, còn to nhất cũng chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái người lớn một chút.
Gọi là trồng nhưng do tập quán thói quen lâu nay của người dân nơi đây duy trì theo kiểu "giao cho trời" và không chăm sóc, hay sử dụng bất kỳ loại phân bón, thuốc BVTV nào. Vì vậy việc phát triển và tạo củ của gừng gió chẳng khác mọc ngoài tự nhiên (như các loại cây quả rừng khác) là mấy, nên đây vẫn là loại nông sản sạch 100%.