Quảng Ngãi: Mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo gần 4 tỷ mới nửa chừng đã phá sản
Hiệu quả trên giấy đẹp long lanh
Được biết vào khoảng đầu năm 2020, sau khi kiểm nghiệm đánh giá và hoàn tất các thủ tục theo quy định, mô hình liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ nghệ dưới tán rừng keo mới trồng (gọi tắt trồng nghệ dưới tán rừng keo) được triển khai thực hiện ở tại thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, với diện tích dự tính khoảng 10 ha.
Chủ trì dự án mô hình trên là UBND huyện Sơn Tịnh; quản lý dự án là Sở KHCN tỉnh Quảng Ngãi, với tổng kinh phí dự tính gần 4 tỷ đồng, gồm nguồn vốn của Sở KHCN (gần 1,4 tỷ đồng), chính quyền huyện Sơn Tịnh (khoảng 1,5 tỷ đồng), còn lại là của HTX NN Tịnh Bắc và người dân tham gia đóng góp.
Mục tiêu dự án sẽ tạo sản phẩm hàng hoá dưới tán rừng keo mới trồng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập trên 1 đơn vị diện tích trồng keo cho hộ dân, góp phần hạn chế giảm thiểu xói mòn và suy thoái môi trường đất rừng sản xuất.
Xây dựng mô hình thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản các sản phẩm từ củ nghệ, với năng suất chế biến nghệ tươi 300kg/giờ, viên nang nghệ 50 hộp/ngày; nước uống nghệ nano detox 100 chai/ngày.
Theo đó sẽ tạo ra sản phẩm 100kg sản phẩm tinh bột nghệ; 500 hộp viên nan từ tinh bột nghệ và 1000 chai nước uống nghệ nano detox.
...nhưng nửa chừng đã đứt gánh
Tuy nhiên trái ngược với những tính toán về hiệu quả kinh tế của mô hình sẽ mang lại, sau 3-4 tháng kể từ khi triển khai trồng vào đầu năm 2020, với diện tích 5ha số lượng nghệ trồng chết và lụi dần, với tỷ lệ sống chỉ ước còn khoảng 20%.
Đến khoảng tháng 6/2020, đơn vị chủ trì và quản lý dự án của mô hình tiếp tục cho trồng nghệ bổ sung lần 2 (ở những khu vực nghệ bị chết). Tuy nhiên cũng như lần trồng trước đó, chỉ vài tháng sau số nghệ trồng bổ sung cũng rụi, tàn chết dần, dẫn đến mô hình đành phá sản giữa chừng.
Sáng 11/6, trao đổi với PV Etime, đại diện chủ trì dự án ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh xác nhận: Quá trình triển khai thực hiện dù cố gắng và nỗ lực để tưới nước, chăm sóc…nhưng tỷ lệ nghệ sống sót trong 2 lần trồng và trồng bổ sung của mô hình, chỉ đạt tỷ lệ khoảng 20%. Vì vậy vào tháng 8/2020 huyện đã kiến nghị và đến cuối năm cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi cho dừng dự án trên.
Cũng theo vị Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh, do thời điểm sau khi thực hiện trồng nắng nóng quá dữ dội, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của mô hình trên.