Quảng Ngãi: Sở KH&CN quên chỉ đạo của tỉnh vụ mô hình nghệ gần 4 tỷ phá sản giữa chừng?

16/06/2021 13:00 GMT+7
Đã gần 2,5 tháng kể từ khi tỉnh Quảng Ngãi giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cấp ngành liên quan để phân tích làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và báo cáo vụ việc mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo chết giữa chừng, nhưng đến nay Sở KH&CN vẫn chưa thực hiện, gây nhiều thắc mắc trong dư luận.

Tỉnh giao nhiệm vụ đã 2,5 tháng

Sáng 16/6, trao đổi với PV Etime, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Minh Sang cho biết, vẫn chưa nhận được báo cáo phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân dẫn đến mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo chết giữa chừng từ Sở KH&CN.

Quảng Ngãi: Sở KH&CN quên chỉ đạo của tỉnh vụ mô hình nghệ gần 4 tỷ phá sản giữa chừng?  - Ảnh 1.

Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: Lam Nguyễn).

Trước đó vào ngày 5/4/2021, thừa lệnh cấp thẩm quyền tỉnh, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Minh Sang đã ký và ban hành văn bản (số 129/TB-UBND), thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, về việc dừng dự án khoa học và công nghệ "Xây dựng mô hình liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ nghệ dưới tán rừng keo mới trồng".

Tại thông báo này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với các cấp ngành liên quan, gồm: Sở NN&PTNT, Tài Chính; UBND huyện Sơn Tịnh, Trường ĐH Nông lâm Huế…tổ chức họp đánh giá, phân tích làm rõ quá trình triển khai, thực hiện mô hình trên.

Trên cơ sở xác định nguyên nhân (dẫn đến mô hình trồng, chế biến nghệ dưới tán rừng keo thất bại giữa chừng), làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức tham gia ở từng giai đoạn trong quá trình thực hiện của dự án; rút ra bài học kinh nghiệm…đồng thời tổng hợp và báo cáo cho UBND tỉnh.

Tuy nhiên đến nay đã hơn 2 tháng kể từ khi được tỉnh Quảng Ngãi giao nhiệm vụ, Sở KH&CN vẫn chưa thực hiện chủ trì cuộc họp, tổng hợp các nội dung và báo cáo cho tỉnh theo chỉ đạo.

Vì sao Sở KH&CN chưa thực hiện?

Trao đổi với PV Etime, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi đã thừa nhận có chậm trễ (thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh), đồng thời giải thích nguyên nhân.

Theo ông Thành, để phân tích, làm rõ nguyên nhân và xác định cụ thể trách nhiệm của vụ việc như tỉnh chỉ đạo, cần có 1 cuộc họp với đầy đủ thành phần nên khá đông người. Tuy nhiên trong thời gian hơn 2 tháng qua, do diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn và các tỉnh thành lân cận phức tạp, nên chưa thể tổ chức họp được.

Bên cạnh đó theo người đứng đầu Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi, một số lần định tổ chức họp (như dự kiến vào ngày mai 17/6), thì lãnh đạo các đơn vị thành viên tham gia có người lại bận giải quyết công việc, xin vắng nên phải tạm dừng.

Quảng Ngãi: Sở KH&CN quên chỉ đạo của tỉnh vụ mô hình nghệ gần 4 tỷ phá sản giữa chừng?  - Ảnh 4.

Văn bản thông báo kết luận, chỉ đạo của tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở KH&CN (ảnh: Lam Nguyễn).

"Sự chậm trễ trong việc thực hiện chỉ đạo của tỉnh là do nguyên nhân khách quan, chứ không phải do quên", ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi nói.

Như PV Etime đã có loạt bài phản ánh, đầu năm 2020, sau khi kiểm nghiệm đánh giá và hoàn tất các thủ tục theo quy định, mô hình liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ nghệ dưới tán rừng keo mới trồng (gọi tắt trồng nghệ dưới tán rừng keo) được triển khai thực hiện ở tại thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, với diện tích dự tính khoảng 10 ha.

Chủ trì dự án mô hình trên là UBND huyện Sơn Tịnh; quản lý dự án là Sở KHCN tỉnh Quảng Ngãi, với tổng kinh phí dự tính gần 4 tỷ đồng, gồm nguồn vốn của Sở KHCN (gần 1,4 tỷ đồng), chính quyền huyện Sơn Tịnh (khoảng 1,5 tỷ đồng), còn lại là của HTX NN Tịnh Bắc và người dân tham gia đóng góp.

Quảng Ngãi: Sở KH&CN quên chỉ đạo của tỉnh vụ mô hình nghệ gần 4 tỷ phá sản giữa chừng?  - Ảnh 5.

Một góc khu vực triển khai thực hiện mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo non (ảnh: Lam Nguyễn).

Tuy nhiên, trái ngược hiệu quả kinh tế của mô hình sẽ mang lại đầy mê hoặc nêu trong đề án, sau lần trồng đầu tiên và trồng bổ sung lần thứ 2, số nghệ sống sót chỉ le ngoe với tỷ lệ ước khoảng 20% diện tích, nên đến cuối năm 2020 mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo, có kinh phí dự tính gần 4 tỷ đồng đành phá sản nửa chừng.

Theo đó nhiều cuộc họp, tiếp xúc dù chỉ là cấp hỗ trợ để thực hiện, nhưng chính quyền xã Tịnh Bắc bị người dân chất vấn, truy hỏi về dự án này nhưng không biết phải trả lời sao.


Lam Nguyễn
Cùng chuyên mục