Quảng Ngãi: Xã khốn khổ vì mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo gần 4 tỷ chết giữa chừng

12/06/2021 07:43 GMT+7
Khi bị người dân truy vấn về hàng trăm triệu đồng, cùng công sức mà HTX NN Tịnh Bắc và người dân đã bỏ ra, nhưng mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo chết giữa chừng thì ai sẽ trả lại và chịu trách nhiệm khiến lãnh đạo xã Tịnh Bắc không biết phải trả lời sao.

Trồng bổ sung vẫn...sống "ngoắc ngoải"

Trưa 11/6, sau khi làm việc và nghe PV Etime đề nghị muốn tận mắt sở thị khu vực triển khai mô hình liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ nghệ dưới tán rừng keo mới trồng (gọi tắt trồng nghệ dưới tán rừng keo), bị chết giữa chừng hiện thế nào, Chủ tịch UBND xã Tịnh Bắc Nguyễn Tấn Linh liền thu xếp công việc và đích thân dẫn đi.

Quảng Ngãi: Xã mắc oan vì mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo gần 4 tỷ chết giữa chừng  - Ảnh 1.

UBND xã Tịnh Bắc (ảnh nguồn Cốc Cốc Map)

Người đứng đầu chính quyền xã Tịnh Bắc tâm sự: Với vùng đất khó của địa phương, khi nghe triển khai thí điểm mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tốt và đầy triển vọng như vậy, không chỉ chính quyền mà người dân địa phương rất mừng và đặt nhiều niềm tin. Đặt biệt là trước khi triển khai thực hiện mô hình, thấy có nhiều nhà chuyên môn đến xem, khảo sát và lấy đất về kiểm nghiệm.

Theo đó, để chuẩn bị triển khai mô hình, chính quyền địa phương đã chỉ đạo cho HTX NN Tịnh Bắc thực hiện tất cả những gì mà huyện Sơn Tịnh, Sở KHCN yêu cầu: Đào, loại bỏ toàn bộ gốc rễ của keo và bạch đàn cũ đã trồng trước đó; cày xới làm tơi xốp trên phần diện tích sẽ thực hiện mô hình và các phần việc khác.

Tuy nhiên không như mong đợi và công sức, tiền bạc mà HTX NN Tịnh Bắc và những người tham gia đã bỏ ra, chỉ sau 3-4 tháng xuống giống và dày công chăm sóc kể từ đầu năm 2020, số nghệ trồng "ngoắc ngoải", tàn lụi chết dần, với tỷ lệ sống chỉ khoảng 20% diện tích.

Và sự thất vọng lên đỉnh điểm khi kết quả trồng bổ sung vào khoảng tháng 6/2020, tỷ lệ nghệ trồng còn sống của mô hình lâm vào tình cảnh tương tự.

Ai là người trả lại tiền cho dân?

Chủ tịch UBND xã Tịnh Bắc Nguyễn Tấn Linh cho biết: Dự kiến sẽ thực hiện làm trước 5/10 ha của mô hình, sau đó sẽ dành 1 phần nghệ thu hoạch được làm giống trồng trên phần diện tích còn lại. Nhưng do số nghệ giống trồng của mô hình không đạt như sự tính toán nên vào cuối năm 2020, cấp thẩm quyền Quảng Ngãi đã cho dừng dù mô hình mới thực hiện được nửa chừng.

Và cũng bắt đầu từ đó tại nhiều cuộc họp, tiếp xúc dù chỉ là cấp hỗ trợ để thực hiện, nhưng chính quyền xã Tịnh Bắc bị người dân chất vấn, truy hỏi về dự án này mà không biết phải trả lời sao.

Quảng Ngãi: Xã mắc oan vì mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo gần 4 tỷ chết giữa chừng  - Ảnh 3.

Khu vực triển khai mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo gần 4 tỷ chết giữa chừng (ảnh: Lam Nguyễn).

"Chỉ riêng về phần vốn và công sức mà HTX NN Tịnh Bắc và người dân tham gia mô hình đã đầu tư cho biết, ước tính khoảng 150 triệu đồng. Trong khi chính quyền địa phương cũng là cấp hỗ trợ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên nên khi mô hình thất bại, bị truy vấn số thiệt hại ai là người chịu trách nhiệm và giải quyết thế nào, làm sao chúng tôi giải đáp và trả lời được", đại diện UBND xã Tịnh Bắc bày tỏ.

Theo nguồn tin riêng của PV Etime sau khi mô hình trên bị dừng giữa chừng, vào đầu tháng 4/2021 tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản kết luận, yêu cầu và giao cho Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi chủ trì với các cấp, ngành liên quan tổ chức họp đánh giá để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm.

Tuy nhiên đến nay đã gần giữa tháng 6/2021, Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa thực hiện và báo cáo cho cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi về vụ việc này.

Như PV Etime đã phản ánh vào khoảng đầu năm 2020, sau khi kiểm nghiệm đánh giá và hoàn tất các thủ tục theo quy định, mô hình liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ nghệ dưới tán rừng keo mới trồng được triển khai thực hiện ở tại thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, với diện tích dự tính khoảng 10 ha.

Chủ trì dự án mô hình trên là UBND huyện Sơn Tịnh; quản lý dự án là Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi, với tổng kinh phí dự tính gần 4 tỷ đồng, gồm nguồn vốn của Sở KH&CN (gần 1,4 tỷ đồng), chính quyền huyện Sơn Tịnh (khoảng 1,5 tỷ đồng), còn lại là của HTX NN Tịnh Bắc và người dân tham gia đóng góp.

Thế nhưng trái ngược hiệu quả kinh tế của mô hình sẽ mang lại đầy mê hoặc nêu trong đề án, sau lần trồng đầu tiên và trồng bổ sung lần thứ 2, số nghệ sống sót chỉ "le ngoe" với tỷ lệ ước khoảng 20% diện tích. Đến cuối năm 2020 mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo, có kinh phí dự tính gần 4 tỷ đồng đành phá sản nửa chừng.


Lam Nguyễn
Cùng chuyên mục