Quảng Ninh: Nhiều dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chờ được triển khai

01/12/2024 09:53 GMT+7
Kế hoạch đầu tư công trung hạn của Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025 sắp kết thúc, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều dự án, chương trình đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn đang chờ được triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cho cả giai đoạn.

Nhiều dự án chờ khởi công trong năm 2025

Theo Nghị quyết số 76/NQ-HĐND (ngày 9/12/2021) của HĐND tỉnh, tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Quảng Ninh là 92.155 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn này bao gồm 4.105 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương; 87.199 tỷ đồng vốn cân đối ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh 60.871 tỷ đồng, ngân sách huyện 26.328 tỷ đồng); 851 tỷ đồng vốn vay lại từ Chính phủ.

Qua quá trình thực hiện, căn cứ vào nhu cầu thực tế, HĐND đã nhiều lần điều chỉnh, bổ sung các nguồn vốn phát sinh, nâng tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh lên thành 95.752 tỷ đồng, cao hơn 3.597 tỷ đồng so với đầu kỳ, tăng 26.647 tỷ đồng so với giai đoạn 2016-2020. Nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 ngân sách cấp tỉnh được phân bổ chi tiết cho 319 dự án; vốn ngân sách cấp huyện phân bổ chi tiết cho 635 dự án hoàn thành từ giai đoạn trước, 372 dự án chuyển tiếp và 1.937 dự án khởi công mới.

Quảng Ninh: Nhiều dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa được triển khai - Ảnh 1.

Cầu Bình Minh có tổng kinh phí đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: QMG

Theo Tờ trình số 3082/TTr-UBND, ngày 28/10/2024, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí để thực hiện nhiều công trình hạ tầng giao thông hoàn thành có tính kết nối liên vùng, tác động lớn, như: Đường Cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Cầu Tình Yêu, Cầu Bình Minh. Các công trình này đều đã được hoàn thành mà mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Nguồn vốn còn được phân bổ để thực hiện Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Qua đó, đã góp phần nâng cao điều kiện sống của người dân, đưa Quảng Ninh về đích chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới sớm hơn so với cả nước.

Bên cạnh những dự án, chương trình đã được phê duyệt, triển khai đầu tư, hiện còn nhiều dự án, chương trình đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 chưa được phê duyệt.

Ngoài 2 dự án vừa được Kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư để kịp phân bổ vốn vào kỳ họp cuối năm (dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 327 kết nối TP Đông Triều sang TP Uông Bí và tỉnh lộ 330, đoạn từ thị trấn Ba Chẽ đến tỉnh lộ 342), nhiều dự án khác chưa hoàn thành các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trong đó, có các dự án như: Xây dựng bổ sung một số hạng mục công trình Trung tâm bảo trợ xã hội cơ sở tỉnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh - Cơ sở 2; mở rộng Bệnh viện Bãi Cháy; dự án nâng cao năng lực cho kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh về công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR giai đoạn 2024-2025; chương trình giao thông nông thôn huyện Cô Tô…

Quảng Ninh: Nhiều dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa được triển khai - Ảnh 2.

Phối cảnh khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cơ sở 2) có tổng mức đầu tư dự kiến gần 4.200 tỷ đồng, triển khai từ nguồn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện từ 2024-2028.

Dành trên 13.400 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2025

Hiện, UBND tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo rà soát tổng thể, đánh giá toàn bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, đề xuất giải pháp. Đồng thời, chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đã được cấp ủy cho chủ trương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án), làm cơ sở báo cáo HĐND tỉnh phân bổ kế hoạch năm 2025.

Xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, tồn tại đối với công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án, như: Cải tạo, nâng cấp hệ thống phòng cháy, chữa cháy các bệnh viện và trung tâm y tế; đầu tư xây dựng Trường PTDT nội trú THCS và THPT tỉnh tại huyện Tiên Yên; khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cái Rồng kết hợp cảng cá loại I; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng.

Đặc biệt, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến đất san lấp tại một số dự án lớn, công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ ban hành các đơn giá bồi thường GPMB; ban hành các tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và các công trình sự nghiệp khác..., làm cơ sở để phê duyệt các dự án đầu tư có liên quan.

Quảng Ninh: Nhiều dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa được triển khai - Ảnh 3.

Dự án đường dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến Đông Triều (giai đoạn 1) sẽ được ưu tiên bố trí vốn trong năm 2025. Ảnh: Thu Lê.

HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng đã thông qua tại Nghị quyết số 212/NQ-HĐND ngày 10/7/2024, với tổng nguồn vốn đầu tư công dự kiến năm 2025 là trên 13.400 tỷ đồng, bao gồm: Vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương trên 557 tỷ đồng; vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương trên 12.800 tỷ đồng (ngân sách tỉnh trên 9.800 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 3.000 tỷ đồng).

Trong đó, dự kiến nguồn ngân sách trung ương sẽ được phân bổ cho dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến Đông Triều (giai đoạn 1). Nguồn ngân sách tỉnh sẽ dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương theo tiêu chí chấm điểm; trên 780 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; 310 tỷ đồng cho các dự án hoàn thành trước năm 2023 chưa bố trí đủ vốn; trên 5.600 tỷ đồng cho các dự án chuyển tiếp và trên 2.000 tỷ đồng cho các dự án khởi công mới.

Được biết, trong năm 2025, ngoài 39 dự án chuyển tiếp, tỉnh Quảng Ninh sẽ có khoảng 10 dự án khởi công mới. Trong đó, ngành giao thông sẽ có 2 dự án; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1 dự án; giáo dục và đào tạo 1 dự án; y tế 2 dự án; văn hóa 1 dự án...

Những dự án, công trình này khi được đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật, thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của tỉnh trong chặng đường phía trước.

Thu Lê
Cùng chuyên mục