Vì sao phải tăng vốn đầu tư công dự án quan trọng quốc gia lên 3 lần so với hiện nay?

29/11/2024 16:43 GMT+7
Một trong những điểm mới của Luật Đầu tư công sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua xác định, tiêu chí vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia phải có vốn từ 30.000 tỷ đồng trở lên (tương đương 1,2 tỷ USD).

Như vậy, so với tiêu chí dự án đầu tư công hiện nay có số vốn 10.000 tỷ đồng, vốn đầu tư công cho các dự án quan trọng quốc gia sẽ tăng lên 30.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần hiện nay. Điều này giúp các dự án từ dưới 30.000 tỷ đồng sử dụng vốn đầu tư công sẽ được phê duyệt nhanh hơn, gọn hơn, ít ràng buộc các điều kiện về mặt pháp lý so với các dự án lớn trên 30.000 tỷ đồng.

Vì sao phải tăng tiêu chí vốn dự án quan trọng quốc gia lên 3 lần so với hiện nay? - Ảnh 1.

Quy mô các dự án đầu tư công sẽ tăng từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ).

Chiều 29/11, tại Hội trường, Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều dự luật quan trọng, trong đó có Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương pháp công tư (PPP) và Luật Đầu tư công sửa đổi.

Theo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên đã được áp dụng từ năm 1997, đến nay, quy mô nền kinh tế của nước ta đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2013.

Theo cơ quan thẩm tra, hiện nay nguồn lực đầu tư công đã và đang được tập trung cho các dự án quy mô lớn, có tính chất liên vùng, có tính lan tỏa cao.

Chính vì vậy, việc nâng quy mô vốn đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng nhằm phân cấp mạnh mẽ hơn trong quản lý đầu tư công, bảo đảm tính ổn định trong thực hiện Luật. Đối với các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C, thống nhất với phương án Chính phủ trình và đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đã đồng thuận. Với tinh thần đó, xin được giữ như phương án Chính phủ trình.

Về một số ý kiến cho rằng, các chính sách mới được thí điểm trong thời gian ngắn cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm chính sách phát huy được hiệu quả thực tiễn và đề nghị rà soát để quy định chặt chẽ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối với các nội dung thể chế hoá các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thí điểm, bao gồm: Tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập; giao 01 UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đi qua địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

Đặc biệt, Luật Đầu tư công sửa đổi cho phép HĐND cấp tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương để uỷ thác thực hiện các chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Chính phủ đã bổ sung báo cáo giải trình về đánh giá tình hình triển khai thực tế, yêu cầu thực tiễn và đề xuất của các bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua, theo đó, việc hoàn thiện chính sách nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong triển khai. Về quy định cụ thể trong dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, tiếp thu các ý kiến xác đáng của ĐBQH, chỉnh lý, bổ sung quy định để bảo đảm tính chặt chẽ. 

An Linh
Cùng chuyên mục