Rạng Đông cháy lớn: Thảm kịch nhưng cổ phiếu vẫn phục hồi nhanh
Cổ phiếu phục hồi nhanh chóng
Rạng Đông cháy lớn là câu chuyện ồn ào nhất ngày 28/8. Mặc dù may mắn không có thương vong nào xảy ra nhưng vụ hỏa hoạn này vẫn được xem như một thảm kịch vì vụ cháy đã khiến gần 27kg thủy ngân rỏ rỉ, đe dọa ô nhiễm môi trường và cuộc sống của người dân khu vực Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.
Thảm kịch được đẩy lên cao hơn khi Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông che giấu thông tin và có những công văn khiến dư luận bức xúc. Cộng với việc thiệt hại thực tế 150 tỷ đồng do hàng tồn kho bị cháy, cổ phiếu RAL của Rạng Động giảm sâu xuống đáy 72.000 đồng/CP.
Cụ thể, trong phiên giao dịch 10/9, cổ phiếu RAL rớt xuống mức 72.000 đồng/lượng sau khi giảm 13.280 đồng/CP, tương ứng 15,6% so với ngày 28/8 – ngày xảy ra vụ cháy. Điều đó có nghĩa vốn hóa thị trường Rạng Đông "bốc hơi" 153 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, khi mà câu chuyện vụ cháy ở Rạng Đông vẫn còn là đề tài nóng thì những đợt "xả hàng" RAL đã chấm dứt. Nhà đầu tư sẵn sàng "bắt đáy" RAL ở mức giá cao hơn. Vì vậy, cổ phiếu này đang trên đà phục hồi nhanh chóng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/9, RAL đạt 77.100 đồng/CP, tăng 5.100 đồng/CP, tương đương 7% so với "đáy" thiết lập ngày 10/9. Nhờ vậy, vốn hóa thị trường Rạng Đông có thêm gần 59 tỷ đồng.
Mức tăng 9% trong 10 ngày không phải quá lớn nhưng lại là nỗ lực của Rạng Đông vì cùng thời điểm đó (từ 10/9 đến 20/9), cổ phiếu DQC của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, đối thủ trực tiếp của Rạng Đông lại phải chứng kiến thị giá cổ phiếu giảm nhẹ dù VN-Index đang trên đà tăng mạnh.
Trong khoảng thời gian kể trên, cổ phiếu DQC giảm 100 đồng/CP xuống còn 18.050 đồng/CP. DQC khiến vốn hóa thị trường Điện Quang hao hụt nhẹ, chỉ 3,4 tỷ đồng.
Công ty của người lao động
Trong lịch sự thị trường chứng khoán luôn có câu chuyện làm giá. Làm giá có thể xảy ra tại nhiều công ty lớn nhưng lại rất khó xảy ra tại Rạng Đông vì công ty này khá "cô đặc" cổ phiếu. Tỷ lệ rất lớn cổ phiếu RAL là thuộc sở hữu của công đoàn công ty và người lao động.
Cụ thể, hiện tại, công đoàn công ty sở hữu hơn 4,9 triệu cổ phiếu RAL, tương ứng tỷ lệ 42,96%. Bà Lê Thị Kim Yến nắm giữ hơn 1,7 triệu cổ phiếu RAl, tương đương 15,13% vốn công ty. Bà Lê Thị Kim Yến là thành viên Hội đồng quản trị RAL. Như vậy, "người nhà" Rạng Đông đã sở hữu tới 58,09%.
58,09% là tỷ lệ vốn lớn nhưng chắc chắn tỷ lệ "người Rạng Đông" nắm giữ còn cao hơn số này vì Rạng Đông hoạt động theo mô hình người lao động là chủ sở hữu. Nghĩa là ngoài sở hữu chung qua công đoàn công ty, nhiều nhân viên cũng nắm giữ cổ phiếu RAL. Đây là một trong những điểm đặc biệt của Rạng Đông.
Chính vì vậy, khi Rạng Đông xảy ra biến cố lớn dù cổ phiếu RAL đã trải qua một phiên giảm sàn nhưng không hề có hiện tượng bán tháo cổ phiếu. Trong phiên 29/8, chỉ 10.520 cổ phiếu được giao dịch thành công. Tới ngày 30/8, thanh khoản tăng đột biến nhưng cũng chỉ đạt 122.540 đơn vị.
Còn trong ngày 20/9, thanh khoản đứng ở mức rất thấp, chỉ 2.620 đơn vị. Khối lượng giao dịch khớp lệnh 10 phiên trung bình gần đây của RAL cũng chỉ là 12.462 đơn vị, chiếm 1% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành và niêm yết.
Với việc cổ phiếu "cô đặc" như vậy, cổ phiếu RAL không dễ bị ảnh hưởng quá lớn bởi các biến động thị trường.
Câu chuyện đất vàng
Việc cổ phiếu "cô đặc" đã giúp Rạng Đông thoát được khỏi một cú sốc lớn trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, Rạng Đông vẫn chưa thoát khỏi "tầm ngắm" của dư luận. Bên cạnh câu chuyện Rạng Đông có phải chịu trách nhiệm với việc rò rỉ thủy ngân ra môi trường hay không thì đất vàng cũng là chủ đề được nhắc tới nhiều.
Hiện tại, khu nhà kho của Rạng Đông đã bị phá hủy hoàn toàn. Rạng Đông phải di dời nhà máy chỉ còn là câu chuyện một sớm một chiều. Vậy khu đất vàng hiếm hoi còn lại giữa thủ đô sẽ được sử dung như thế nào trở thành vấn đề được quan tâm.
Liệu khu đất vàng đó được dành cho các công trình công cộng hay giao cho một đại gia bất động sản để xây dựng chung cư? Đây là câu hỏi chắc chắn đã, đang và sẽ được nhiều người dân quan tâm.