Rau quả xuất siêu 1,3 tỷ USD, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bứt phá mạnh

30/12/2022 09:06 GMT+7
Xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 12/2022 tăng cao kỷ lục nhờ nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán và lượng xe làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng dần. Năm nay, ngành rau quả xuất siêu khoảng 1,3 tỷ USD.

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng chục loại rau quả đi khắp các thị trường trên thế giới với kim ngạch hàng tỷ USD. Năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 3,34 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 1,3 tỷ USD.

Rau quả xuất siêu 1,3 tỷ USD, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bứt phá mạnh - Ảnh 1.

Năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 3,34 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 1,3 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2021 (3,55 tỷ USD). Trong ngành nông nghiệp, rau quả nằm trong nhóm 7 sản phẩm xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng chi ra trên 2 tỷ USD nhập khẩu rau quả trong năm 2022, tăng 35% so với năm 2021. Như vậy, cả năm nay, rau quả xuất siêu hơn 1,3 tỷ USD.

Rau quả Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất đến 10 thị trường chính, gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Úc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Lào. Ngược lại, 10 thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Myanmar, Nam Phi, Hàn Quốc, Campuchia, Ấn Độ và Thái Lan.

Xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 12/2022 tăng cao kỷ lục nhờ nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán và lượng xe làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng dần. Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành hàng rau quả Việt Nam, do đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu rau quả tăng trưởng khả quan. 

Năm 2022, việc Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zezo Covid”, siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở khu vực cửa khẩu ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam. Mặc dù những tháng cuối năm xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đã bớt khó khăn, nhưng tính chung trong 11 năm 2022 xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ bứt phá mạnh.

Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, về thị trường Trung Quốc cho tiêu thụ rau quả thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ tăng cao. Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc chiếm 50%. Văn hóa Trung Quốc khá tương đồng với văn hóa của Việt Nam nên nhu cầu cần rau quả phục vụ dịp Tết sẽ cao để phục vụ văn hóa tâm linh.

11 tháng năm 2022, trong khi trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả đã nỗ lực tìm kiếm và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản, thị trường Đài Loan, Hà Lan… 

Do đó, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng rau quả sang các thị trường này đạt kết quả khả quan. Đáng chú ý, mới đây, Hoa Kỳ đã chính thức mở cửa cho trái bưởi của Việt Nam; quả nhãn, mắc ca cũng được Nhật Bản cho phép nhập khẩu; Newzeland mở cửa cho trái chanh xanh của Việt Nam… Đây đều là các thị trường tiêu thụ khó tính, tuy nhiên xuất khẩu hàng rau quả vào được các thị trường này, thì cơ hội cho ngành hàng rau quả của Việt Nam ngày càng mở rộng. 

Việc mở cửa được thị trường đã khó, nhưng giữ được thị trường và phát triển bền vững còn khó hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường.

Rau quả xuất siêu 1,3 tỷ USD, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bứt phá mạnh - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Rau quả xuất siêu 1,3 tỷ USD, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bứt phá mạnh - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong hơn 2 tỷ USD Việt Nam chi ra nhập khẩu rau quả, nhóm rau củ chiếm 20% và 80% là trái cây. Trong đó, Trung Quốc cũng chiếm thị phần nhiều nhất trên 40%, Hoa Kỳ 17%, Úc 9%, New Zealand 7%, Hàn Quốc 2,8%, Thái Lan 2,4%...

Trong đó, nhóm rau quả từ Trung Quốc mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất là: Khoai tây, hành tây, tỏi, cải thảo, bắp cải, nấm, cam, quýt, nho, lê, táo, lựu… Trong nhóm quả, táo, nho, lê là những sản phẩm được nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc…

Việt Nam phải nhập nhiều rau quả từ nhiều nước là hết sức bình thường, khi ở những thời điểm không phải là mùa vụ hoặc những sản phẩm không có lợi thế sản xuất. 

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Việt Nam và Trung Quốc đang có giao thương xuất nhập khẩu rất lớn đối với hàng rau quả và Trung Quốc đang là thị trường xuất siêu lớn nhất.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định, tỷ lệ rau quả nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều là xu hướng không thể tránh khỏi. Việt Nam hiện tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Các nước mở cửa thị trường, có lộ trình giảm thuế... thì Việt Nam cũng phải tuân thủ. Điều này giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, được hưởng giá rẻ hơn, làm tăng sức mua.

Được biết, thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyện được đi xa do không thể bảo quản được lâu.

Do đó, các cơ quan chức năng đề nghị doanh nghiệp cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần kiên trì để duy trì thị trường và luôn luôn phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, vì đây là yếu tố sống còn để chúng ta giữ được thị trường, tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu...

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục