Rủi ro lớn từ lệnh kiểm soát xuất khẩu mà Trung Quốc vừa phê duyệt để trả đũa Mỹ
Cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc hồi cuối tuần trước đã thông qua luật kiểm soát xuất khẩu, trong đó cho phép chính phủ cấm xuất khẩu các công nghệ tiên tiến và nguyên vật liệu chiến lược cho các doanh nghiệp nước ngoài cụ thể.
Động thái này được cho là đòn trả đũa của Bắc Kinh với danh sách đen mà Bộ Thương mại Mỹ ban hành hồi tháng 5/2019; qua đó đánh dấu một bước leo thang mới trong căng thẳng Mỹ - Trung.
Liên quan đến luật kiểm soát xuất khẩu mới đây, tờ Tân Hoa Xã đưa tin: “Trung Quốc có thể thực thi các biện pháp đối phó với bất kỳ quốc gia, khu vực nào lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và gây ra mối đe dọa an ninh, lợi ích quốc gia của Trung Quốc”.
Tương tự như danh sách đen của Mỹ, các sản phẩm bị Bắc Kinh chỉ định đưa vào danh sách kiểm soát xuất khẩu vẫn có khả năng bán ra nước ngoài nếu nhận được sự chấp thuận của chính phủ. Nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ phải gửi đến nhà chức trách thông tin chi tiết về người dùng cuối để được xem xét cấp phép xuất khẩu.
Quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận xuất khẩu sẽ dựa trên 8 tiêu chí bao gồm: lợi ích và an ninh quốc gia, nghĩa vụ quốc tế và các cam kết quốc tế, loại hàng xuất khẩu, mức độ nhạy cảm của sản phẩm, quốc gia hoặc khu vực xuất khẩu, người dùng cuối và mục đích sử dụng cuối cùng, hồ sơ tín dụng liên quan của công ty xuất khẩu và các yếu tố khác bao gồm luật pháp, quy định hành chính…
Luật kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào 1/12 tới đây, ngay sau cuộc bầu cử Mỹ. Một số chuyên gia đang quan ngại kim loại đất hiếm sẽ bị Bắc Kinh đưa vào danh sách hạn chế xuất khẩu, qua đó gây tác động rộng rãi trên toàn cầu. Hiện Trung Quốc là nhà cung cấp hơn 60% thị phần đất hiếm trên thế giới.
Việc Trung Quốc giữ vai trò quan trọng như vậy trong chuỗi cung ứng đất hiếm đã làm dấy lên mối quan ngại về an ninh nguồn cung với các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản, vốn đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Rất nhiều công ty công nghệ lớn, trong đó có các công ty Mỹ phải “dựa dẫm” vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc để sản xuất linh kiện. Năm 2010, Trung Quốc từng cắt nguồn xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong một cuộc xung đột thương mại. Giờ đây, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày một leo thang, điều này hoàn toàn có khả năng lặp lại với Mỹ.
Chuyên gia David Merriman nhận định thách thức lớn nhất mà các nhà phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm của Mỹ đang phải đối mặt trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc là vấn đề tài chính. “Nếu không nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, sẽ là thách thức lớn với các công ty trong việc xây dựng chuỗi cung ứng cần thiết để giảm sự phụ thuộc vào nguồn đất hiếm từ Trung Quốc. Chi phí vốn trả trước cao dẫn đến thời gian hoàn vốn của các dự án chế biến đất hiếm kéo dài từ 5-10 năm. Điều này gây khó khăn cho các nhà tài trợ dự án”, đặc biệt là nếu các nhà sản xuất Trung Quốc nhận được sự hậu thuẫn tài trợ từ Bắc Kinh.