Săn chứng khoán giá rẻ tháng Tư: Nên tránh những cổ phiếu nào?
Sau những đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán trong tháng Ba, nhà đầu tư đang tham gia hoạt động săn hàng giá rẻ. Tuy nhiên, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư thông qua việc đánh giá những ngành nghề được hưởng lợi, ngành nghề nào bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.
Chỉ số giảm sâu, P/E của VN-Index về mặt bằng thấp
Tính đến hết ngày 31/03/2020, chỉ số VnIndex đóng cửa ở mức 662,53, giảm 298,46 điểm tương đương với -31,06% so với đầu năm 2020. Mức giảm trong Quý 1 là mức giảm lớn thứ 2 trong lịch sử, chỉ sau khủng hoảng ở Q1/2008 với mức giảm 44,25%. Trong nửa đầu tháng Tư, VN-Index phục hồi mạnh mẽ nhưng P/E vẫn ở mức thấp.
Tính đến hết 13/4, chỉ số P/E và P/B của Việt Nam đang ở ở mức 11.8 và 1,50 lần. So với mẫu so sánh với 10 quốc gia thuộc nhóm thị trường mới nổi và thị trường cận biên, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia,…BVSC đánh giá chỉ số P/E của Việt Nam ở mức khá hấp dẫn.
Quan sát diễn biến giá, P/E và P/B của VnIndex trong quá khứ, BVSC nhận thấy rằng hiếm khi P/E và P/B của VnIndex cùng vượt ra ngoài dải 95% CI (CI - Confidence Interval - khoảng Tin Cậy). Trong phần lớn những lần P/E và P/B của VnIndex chạm đến đường biên của dải 95% CI , thị trường thường có xu hướng đảo chiều xu hướng. Còn trong trường hợp P/E và P/B của VnIndex vượt ra ngoài dải 95% CI thì sau đó thị trường thường có lực bật lại mạnh mẽ.
Tính đến hết quý 1/2020, cả P/E và P/B của VnIndex đều giảm xuống dưới đường dưới của dải 95% CI, điều này phần nào cho thấy VnIndex đang ở mức tương đối hấp dẫn so với chính nó trong quá khứ.
Công nghệ thông tin, đồ thiết yếu, dược phẩm hưởng lợi
Trong những phiên đầu tháng 4, đà suy giảm ngắn và trung hạn của thị trường suy yếu khi chỉ số Vnindex tiệm cận vùng hỗ trợ dài hạn 600-650 điểm. Đây là vùng hỗ trợ mạnh và có tính chất quan trọng trong việc xác định hướng đi tiếp theo cho thị trường trên các khung thời gian trung và dài hạn.
VN-Index đã tăng hơn 100 điểm từ thời điểm đó, tương đương 15%, đây là phản ứng tích cực của nhà đầu tư trước sự hồi phục chung của thị trường tài chính toàn cầu, và hàng loạt các chính sách hỗ trợ kinh tế mạnh tay của các Chính phủ. Bên cạnh đó những biện pháp quyết liệt của Chính phủ nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 cũng tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư về khả năng Việt Nam sớm khống chế được dịch bệnh.
Đợt dịch Covid-19 cũng lúc tác động tới thị trường trong ngắn hạn, nhưng mặt khác cũng tạo ra sự chuyển dịch trong dài hạn về quản trị doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh của nhiều công ty. Thói quen áp dụng công nghệ sẽ được định hình, một mặt giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí vận hành, và mặt khác cũng giúp năng suất lao động cải thiện.
Theo góc nhìn này, BVSC đánh giá những doanh nghiệp thuộc các ngành công nghệ thông tin, viễn thông (FPT, CMG), thương mại điện tử, thực phẩm-đồ uống thiết yếu (VNM, VHC), dược phẩm (IMP) sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, có khả năng duy trì được kết quả kinh doanh và còn có thể có tăng trưởng trong năm nay.
Xây dựng, du lịch, vận tải, ngân hàng gặp khó
Trong khi đó, theo đánh giá của BVSC, các các doanh nghiệp xây dựng, xây dựng hạ tầng (CTD), vật liệu xây dựng (BMP, DHA, C32) lại có thể được hưởng lợi nhờ sự lan tỏa từ chính sách thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ trong các quý tới.
Những ngành liên quan tới dịch vụ du lịch, vận tải, lưu trú vẫn sẽ chịu tác động trực tiếp, ảnh hưởng sớm nhất và hồi phục muộn nhất so với các ngành khác.
Ngành ngân hàng là ngành chịu tác động gián tiếp, tuy nhiên thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ là căn cứ quan trọng để đánh giá lại chất lượng tài sản của các ngân hàng. Nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát, các ngân hàng chịu tác động nhỏ hơn và sớm quay lại đà tăng trưởng. Ở chiều ngược lại, nợ xấu có lẽ sẽ là mối quan tâm của nhiều ngân hàng.
Các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, hoạt động kinh doanh đang duy trì được dòng tiền có cơ hội thực hiện M&A, chiếm lĩnh thị phần là những doanh nghiệp rất đáng được quan tâm. Với họ, những đợt biến động như hiện nay sẽ ngăn chặn những đối thủ mới xuất hiện, và tạo sự dễ dàng cho họ trong việc mở rộng thị phần.
Các doanh nghiệp cảng biển (VSC, DVP), doanh nghiệp phân phối xăng dầu (PLX), doanh nghiệp bán lẻ có hệ thống tốt (MWG) có thể gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh do nhu cầu sụt giảm trong ngắn hạn. Nhưng sẽ không dễ để xây dựng, hay thay thế được những doanh nghiệp có lợi thế tuyệt đối này. Sự sụt giảm đồng loạt về giá của các cổ phiếu lại làm xuất hiện cơ hội để nhà đầu tư sở hữu các cổ phiếu này với giá hợp lý. Cơ hội mua giá rẻ, số lượng lớn ở một số cổ phiếu là không dễ có.