Sáng kiến Vành đai và Con đường giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh đồng NDT

20/09/2020 13:47 GMT+7
Trung Quốc đang thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xung quanh Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng ở Indonesia.
Sáng kiến Vành đai và Con đường giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh đồng NDT - Ảnh 1.

Sáng kiến Vành đai và Con đường giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh đồng NDT

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia với kim ngạch thương mại song phương tăng 10 lần trong giai đoạn 2000-2019, lên mức 79,4 tỷ USD, theo dữ liệu từ đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta.

Cũng theo nguồn tin này, mỗi năm Indonesia đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước. Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng tiếp nhận phần đông sinh viên Indonesia sang du học, với số lượng lên tới 10.000 người. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Indonesia với nhiều cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua  Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Dino Patti Djalal - cựu Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia nhận định việc dòng chảy thương mại song phương gia tăng nhanh chóng đang thúc đẩy các công ty Indonesia sử dụng đồng NDT phổ biến trong các giao dịch với Trung Quốc, đặc biệt là các giao dịch xoay quanh Sáng kiến Vành đai và Con đường. “Cộng đồng doanh nghiệp Indonesia cũng ghi nhận rằng ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu sử dụng đồng NDT để dự trữ ngoại tệ”, ông Dino Patti Djala cho biết thêm. 

Cho đến nay, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai vào Indonesia với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ USD trong năm 2019, chỉ sau Singapore với 6,5 tỷ USD, trích số liệu do Ban Điều phối Đầu tư Quốc gia Indonesia công bố vào đầu năm nay. Đáng chú ý, kim ngạch thương mại của Indonesia với Trung Quốc đã tăng lên mức gấp đôi kim ngạch thương mại với Mỹ. “Xét về lợi nhuận, Mỹ không có khả năng vượt qua Trung Quốc về quan hệ thương mại với Indonesia” - vị cựu Thứ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh.

Ông Djala cũng dự báo đồng NDT của Trung Quốc sẽ được ngày càng nhiều nền kinh tế ASEAN sử dụng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc trở thành một số ít những nền kinh tế phục hồi trong quý II sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. “Điều này đồng nghĩa là xuất khẩu của Indonesia sang thị trường Trung Quốc không bị ảnh hưởng nghiêm trọng như xuất khẩu sang các nước khác”. 

Sau khi chứng kiến GDP tăng trưởng âm 6,8% trong quý I/2020, Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng 3,2% trong quý II, vượt kỳ vọng của các nhà phân tích. Theo The Economist, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã kiểm soát thành công phần lớn đại dịch Covid-19 trong phạm vi biên giới từ rất sớm, qua đó khôi phục 90% hoạt động kinh tế vào cuối tháng 4 - thời điểm mà dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Châu Âu...

Wisnu Wardana, một nhà kinh tế từ Ngân hàng Danamon, Indonesia cho hay tỷ lệ giao dịch thương mại quốc tế được thực hiện bằng đồng NDT tại Indonesia đã tăng từ mức 0,5% vào năm 2016 lên 2% vào năm 2019, tương đương mức tăng giá trị 2,7 tỷ USD trong xuất nhập khẩu. Trong một số trường hợp, các công ty Indonesia được khuyến khích giảm giá nếu sử dụng đồng NDT trong giao dịch với đối tác Trung Quốc.

Phần lớn việc sử dụng đồng NDT ở Indonesia đến từ các dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng. Ví dụ, tuyến đường sắt cao tốc trị giá 6 tỷ YSD nối Jakarta với trung tâm dệt may Bandung - một trong những dự án "xương sống" của  Sáng kiến Vành đai và Con đường ở Indonesia. Dù rằng trong tuần qua, Thứ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Kartika Wirjoatmodjo đã tuyên bố hoãn dự án đến ít nhất năm 2022 trong bối cảnh đại dịch như hiện tại. 

Một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương mà Ngân hàng Trung Ương Indonesia ký kết với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào năm 2018 cũng thúc đẩy sự tăng trưởng các giao dịch sử dụng đồng NDT ở quốc gia này. Thỏa thuận cho phép hai bên hoán đổi tổng cộng 200 tỷ NDT (29,6 tỷ USD) lấy 440 nghìn tỷ rupiah Indonesia (29,9 tỷ USD), nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại song phương và hỗ trợ thanh khoản cho thị trường tài chính.

Đầu tháng này, các nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính Mỹ Morgan Stanley dự báo rằng đồng NDT có thể vượt qua đồng Yen của Nhật Bản và đồng bảng Anh để trở thành tiền tệ dự trữ lớn thứ ba thế giới vào năm 2030; qua đó chiếm từ 5% đến 10% dự trữ ngoại hối toàn cầu. 

Chính phủ Bắc Kinh cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc quốc tế hóa đồng NDT trong bối cảnh căng thẳng Mỹ Trung leo thang và nguy cơ Trung Quốc bị Mỹ cắt khỏi hệ thống thanh toán đồng USD. Sáng kiến Vành đai và Con đường rõ ràng là một cửa sáng để Bắc Kinh đưa đồng NDT phổ biến hơn trong các giao dịch quốc tế.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục