SCIC lên kế hoạch thoái vốn "khủng" tại 73 doanh nghiệp Nhà nước
Đáng lưu ý, trong danh sách thoái vốn đợt 1/2023 của SCIC có những cái tên lớn đáng chú ý trên sàn chứng khoán như: Nhựa Bình Minh (mã BMP), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (mã SEA), LICOGI (mã LIC), Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC), Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND), Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP)…
Trong danh sách này, SCIC đã thoái vốn thành công tại 4 doanh nghiệp, trong đó bao gồm 29% vốn tại Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Quảng Ngãi, 53% vốn tại Công ty CP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng Tổng hợp II Quảng Bình, 65% Công ty CP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng Tổng hợp Quảng Bình và 51% Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa số 9.
Danh sách thoái vốn có nhiều công ty được thoái vốn Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, nhiều nhất là 792 tỷ đồng (tương đương 63%) vốn Nhà nước tại Tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam. Đứng thứ hai là thoái vốn ở Công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam, với số vốn thoái ước tính 569 tỷ đồng, ước khoảng 98% vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thứ 3 là Công ty Vật liệu xây dựng số 1, thoái hơn 509 tỷ đồng, tương đương 40% vốn doanh nghiệp.
SCIC cũng thoái vốn hơn 385 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam, hơn 231 tỷ đồng tại Công ty CP Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư Giao thông vận tải, và hơn 108 tỷ đồng ở Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8)…
Theo tính toán sơ bộ, kế hoạch thoái vốn đợt 1/2023 có thể thu về hơn 4.000 tỷ đồng, dự kiến nhiều doanh nghiệp SCIC sẽ thoái từ 40 đến 90% số vốn Nhà nước.
Thời gian vừa qua, hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước rất chậm chạp, nhiều doanh nghiệp trong kế hoạch thoái vốn không thực hiện đúng kế hoạch khiến giai đoạn 2015 đến 2020 gặp nhiều khó khăn.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 theo các hình thức: duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa, sắp xếp lại (bao gồm hình thức sáp nhập, giải thể); chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước (thoái vốn) giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, Chính phủ cho phép duy trì 195 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giai đoạn 2022 - 2025 (danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022 - 2025).
Thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp; thực hiện thoái vốn 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025; giữ nguyên phần vốn nhà nước tại 126 doanh nghiệp.
21 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp theo phương án riêng giai đoạn 2022 - 2025.
Các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc: Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp chưa được quy định tại Quyết định này (không thuộc diện chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) thực hiện sắp xếp theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.