Số thu từ đất khá cao trong cơ cấu ngân sách nhà nước

24/03/2019 09:58 GMT+7
Chiều 18/3, thực hiện kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Bộ Tài chính.

 

Theo Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Đoàn đã hoàn tất chương trình giám sát, khảo sát thực tế tại 12 tỉnh, TP trên cả nước và tiến hành làm việc với một số bộ, ngành về những nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, sau khi Luật Đất đai năm 2013 được ban hành, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 10 Nghị định của Chính phủ và 1 Quyết định của Thủ tướng liên quan đến cơ chế quản lý tài chính về đất đai. Căn cứ vào các văn bản này, Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền 16 Thông tư hướng dẫn. Cùng với đó, pháp luật tài chính đất đai đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ xác định giá đất, góp phần thu đầy đủ, kịp thời tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước…

 Ảnh minh hoạ. 

Theo báo cáo của 42 địa phương, nguồn thu ngân sách nhà nước đối với đất đai đô thị tăng dần hàng năm từ 2014 - 2018, với tổng số thu ngân sách nhà nước khoảng 323.265 tỷ đồng. Nhiều địa phương số thu từ đất khá cao trong cơ cấu ngân sách nhà nước. Báo cáo của 53 địa phương cũng cho thấy, hiện có 22/53 địa phương thực hiện dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT) với 138 dự án, có tổng giá trị trên 70.000 tỷ đồng; trong đó diện tích sử dụng đất đã thành toán khoảng 7.000ha, giá trị quyền sử dụng đất để thành toán khoảng 33.000 tỷ đồng.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng thẳng thắn chỉ rõ, qua thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính, Bộ Tài chính thấy rằng cơ chế chính sách về đất đai còn một số hạn chế tác động đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong đó, các phương pháp xác định giá đất cụ thể chưa sát theo thị trường.

Việc chuyển nhượng, giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất thấp hơn giá thị trường, làm thất thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, pháp luật về đất đai chưa có quy định cụ thể về đất sử dụng mục đích xây dựng, kinh doanh căn hộ khách sạn (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort)… tạo ra kẽ hở trong việc quản lý, gây thất thu ngân sách nhà nước

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi về những hạn chế của quy định pháp luật và quá trình thực hiện định giá đất, quy định về đất xây dựng kinh doanh công trình condotel, officetel, resort, quy định về giải phóng mặt bằng và công tác xác định giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án…

Đồng thời, phân tích, đánh giá tổng quát về cơ chế chính sách về tài chính đất đai, sử dụng quỹ đất, tài sản công để thanh toán các hợp đồng BT; các kiến nghị của Bộ Tài chính về chỉnh sửa, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt về quản lý, sử dụng đất, về giá đất… Đồng thời đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong điều hành kiểm soát điều tiết giá đất thời gian qua, Bộ đã làm hết trách nhiệm chưa và đã đề ra giải pháp gì nhằm khắc phục hạn chế.

Theo Kinh tế đô thị
Cùng chuyên mục