Sôi động thị trường hạt giống cây trồng ở Trung Quốc

08/07/2022 07:31 GMT+7
Syngenta cho biết số tiền thu được sẽ dành cho một trung tâm nghiên cứu hạng nhất ở Trung Quốc và một ngân hàng hạt giống toàn cầu.

Thương vụ IPO gần 10 tỷ đô la Mỹ trong thời gian tới của Syngenta đang thu hút sự chú ý đặc biệt của thế giới bởi hai lý do chính. Một, tập đoàn hạt giống và thuốc trừ sâu hàng đầu thế giới này đặt trụ sở tại thành phố Basel ở Thụy Sĩ nhưng lại thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc. Hai, những hoạt động của Syngenta thể hiện nỗ lực trong chính sách tự cung cấp lương thực, giảm bớt sự phụ thuộc vào hạt giống nước ngoài của Trung Quốc.

Syngenta cho biết số tiền từ vụ IPO sẽ dành cho công việc nghiên cứu và phát triển (R&D) cùng việc mua lại các công nghệ hạt giống quan trọng.

Sôi động thị trường hạt giống cây trồng ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Một cánh đồng thử nghiệm các giống lúa mới và phương thức canh tác mới ở Quảng Châu. Trung Quốc đang đẩy mạnh các nỗ lực tự cung tự cấp lương thực trong bối cảnh chiến tranh làm gián đoạn nguồn cung lương thực và đối đầu thương mại dai dẳng Mỹ – Trung. Ảnh: Nikkei Asia

“Lá cờ đầu” của phát triển nông thôn

Trên một cánh đồng thử nghiệm trồng giống lúa Simiao ở ngoại ô Quảng Châu, một tấm bảng đỏ ghi rõ niềm tự hào Syngenta trong việc tham gia công cuộc phát triển nông thôn của chính phủ. Simiao là giống lúa địa phương, có hạt thon dài và trong, được xem là ngon hơn cả gạo Jasmine của Thái Lan. Nhiệm vụ của Syngenta là nghiên cứu giống và cách thức canh tác mới, nhằm gia tăng sản lượng lương thực cho đất nước hơn 1,4 tỷ dân.

Các chương trình thử nghiệm trồng trọt và nhân giống như vậy có thể được tìm thấy trên toàn quốc và Syngenta, một phần của tập đoàn hóa chất quốc gia ChemChina, đang là lá cờ đầu.

Syngenta đã nộp đơn đăng ký IPO vào tháng 6 năm ngoái. Tháng 3 vừa rồi, tập đoàn đã cập nhật các báo cáo với Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Giữa tháng 6, Bloomberg đưa tin Syngenta đang chuẩn bị cho kế hoạch IPO trên sàn cổ phiếu công nghệ STAR Market ở Thượng Hải. Mức chào bán 6,5 tỷ nhân dân tệ (9,7 tỷ đô la) sẽ là một kỷ lục trong bối cảnh chứng khoán đi xuống hiện nay.

Syngenta cho biết số tiền thu được sẽ dành cho một trung tâm nghiên cứu hạng nhất ở Trung Quốc và một ngân hàng hạt giống toàn cầu. Khoảng 70% tiền mặt được dự kiến dành cho R&D, cũng như các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) ở Trung Quốc và nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực hạt giống.

Syngenta có kế hoạch xây dựng các trung tâm nhân giống bắp ở Trung Quốc để phát triển các giống có sức kháng sâu bệnh và cho năng suất tốt hơn. Tập đoàn cũng tập trung cải tiến chất lượng các loại giống lúa và rau màu khác.

Sự thay đổi chiến lược của Syngenta một phần bắt nguồn từ việc đa dạng hóa, hạn chế rủi ro trong kinh doanh. Hóa chất nông nghiệp chiếm hơn 60% trong doanh thu 181,2 tỉ nhân dân tệ của Syngenta trong năm ngoái, trong khi hạt giống chỉ đóng góp khoảng 10%. Hãng chứng khoán Shenwan Hongyuan Securities nhận định: “Với sự tiến bộ công nghệ trong ngành, chi phí phát triển các loại thuốc trừ sâu mới đang tiếp tục gia tăng”.

Tình hình kinh doanh hạt giống cũng không mấy sáng sủa hơn với những bước tiến gần đây trong lĩnh vực sinh vật biến đổi gien (GMO). Trung Quốc hiện chỉ cho phép trồng thực vật biến đổi gien trong nước do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cấp phép, nhưng lại cho phép nhập khẩu các loại GMO từ nước ngoài. Nhu cầu thực phẩm ở đại lục ngày càng tăng và những hạn chế trong việc trồng trọt và chăn nuôi GMO dự kiến sẽ giảm bớt trong tương lai – trang Caixin của Trung Quốc nhận định.

Các thương vụ M&A cũng tạo điều kiện cho tăng trưởng. Theo trang Deallab của Nhật Bản, thị trường hạt giống và cây giống rất phân mảnh, với bốn công ty hàng đầu trên toàn thế giới nắm giữ tổng cộng khoảng 40% thị phần. Syngenta coi thị trường hạt giống cây trồng là “một con đường đầy hứa hẹn để tăng trưởng bền vững”, tức nông dược không còn là trọng tâm và chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của tập đoàn.

Những lo lắng về khả năng tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc cũng là một yếu tố khác. Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 4 cho biết hạt giống đóng vai trò “rất quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực của đất nước”.

Trung Quốc là nước nhập khẩu ròng các loại lương thực như đậu nành và lúa mì, chủ yếu nhập từ Brazil, Mỹ và Canada, và bắp chủ yếu từ Ukraine. Ở mảng hạt giống cây trồng, Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn gấp ba lần giá trị xuất khẩu trong năm ngoái, với Mỹ, Nhật Bản và Chile là các nhà cung cấp chính.

Đất canh tác đang là một mặt hàng khan hiếm ở Trung Quốc. Đất nước này có 941 m2 đất canh tác tính theo đầu người vào năm 2019, chỉ bằng 1/5 so với Mỹ – theo dữ liệu của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và các nguồn khác. Trung Quốc chỉ có diện tích đất canh tác nhiều gấp ba lần Nhật Bản, mặc dù tổng diện tích của Trung Quốc lớn gấp 25 lần.

Nâng cao năng suất nông nghiệp không thể chỉ dựa vào đất đai. Để đảm bảo an ninh lương thực và sự ổn định, Trung Quốc cần đảm bảo hạt giống và tăng sản lượng thu hoạch bằng cách canh tác hiệu quả hơn.

Nhộn nhịp các thương vụ M&A

Căng thẳng về nguồn cung cấp lương thực toàn cầu do chiến tranh Nga – Ukraine đã gây ra một mối lo ngại mới bên cạnh những đối đầu thương mại Mỹ – Trung kéo dài nhiều năm qua. Giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng sự cô lập với cộng đồng quốc tế có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp hàng hóa nông nghiệp và hạt giống của nước này ở thời điểm nào đó trong tương lai.

Nhưng nông nghiệp cũng là một công cụ mới để thể hiện sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đã công bố chính sách khuyến khích các công ty hạt giống trong nước tăng cường mở rộng ra nước ngoài. Các thương vụ M&A đang diễn ra trong ngành công nghiệp hạt giống của Trung Quốc có thể phù hợp với mong muốn của chính phủ.

Tập đoàn Beijing Dabeinong Technology hồi tháng 4 tuyên bố sẽ đầu tư dự kiến đến 700 triệu nhân dân tệ để nắm đa số cổ phần trong một công ty sản xuất bắp giống. Beijing Dabeinong Technology cho biết họ đặt mục tiêu gầy dựng một thương hiệu có tầm ảnh hưởng trên thị trường và vượt qua các đối thủ như Syngenta và tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao Yuan Longping.

Doanh nghiệp cỡ trung Hefei Fengle chuyên kinh doanh hạt giống đã mua lại một đối thủ cạnh tranh có trụ sở tại Nội Mông với giá khoảng 150 triệu nhân dân tệ vào tháng 3-2022. Mục tiêu của thương vụ M&A này là nắm giữ các công nghệ liên quan đến bắp sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, và kinh doanh các sản phẩm của Hefei Fengle trên toàn Trung Quốc, đồng thời lấn sang các thị trường như Nga và Mông Cổ.

Syngenta và các hãng hạt giống cây trồng Trung Quốc đang thâm nhập thị trường các nước, nhưng họ có thể gặp phải nhiều khó khăn so với thị trường đại lục. Bộ Quốc phòng Mỹ từng “dán nhãn” ChemChina – công ty mẹ của Syngenta – là một công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp tại Mỹ.

Theo Saigon Times
Cùng chuyên mục