Startup công nghệ đo dinh dưỡng thông minh Enfarm giúp người nông dân "khám đất" gây "sốt"
Enfarm là một startup công nghệ cung cấp các thiết bị cảm biến túc trực trong đất để đo dinh dưỡng đất, truyền dữ liệu vào ứng dụng trên smartphone. Không chỉ cung cấp số liệu về độ ẩm, nhiệt độ, độ pH…, ứng dụng còn tích hợp tính năng gợi ý cho người nông dân dựa trên các dữ liệu đó.
Nói về động lực cho ra đời công nghệ này, Nguyễn Đỗ Dũng cho biết: “60% nước và phân bón ở Việt Nam không được cây hấp thụ, tạo ra sự lãng phí lên tới 3,6 tỷ USD mỗi năm. Phân bón dư thừa còn đầu độc đất đai, đầu độc nguồn nước, tạo ra lượng khí thải rất lớn gây ra hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Nhưng không chỉ bài toán về vấn đề lãng phí, bón và tưới dư thừa thậm chí còn làm hạ thấp năng suất cây trồng, điển hình là cây sầu riêng. Phần lớn các vườn sầu riêng mất khoảng 50% sản lượng do cây bị rụng trái do sốc nước, sốc nhiệt và sốc phân”.
Từ đó, công nghệ của Enfarm đã ra đời với “long mạch” là “chuyển hóa dữ liệu từ những cảm biến có chi phí thấp và bền thành những thông tin vô cùng hữu ích với người nông dân với độ chính xác tương đương phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO”. Đỗ Dũng khẳng định rằng “Với Enfarm, mỗi nhà nông có một chuyên gia nông nghiệp đồng hành cùng họ 24/7”.
Đỗ Dũng lấy dẫn chứng rằng tại Malaysia, công nghệ có giá từ 9.000 USD nhưng chỉ có thể đo độ ẩm và độ pH.
Trong khi đó, công nghệ của Enfarm có ưu điểm là chi phí thấp, chỉ từ 600 ngàn đồng, đo được NPK (nitơ, phốt pho, kali) - hiệu quả tương đương phòng thí nghiệm. Nhà sáng lập Enfarm lý giải thiết bị nằm ở trong đất, hàng ngày có thể “khám” đất và nếu có vấn đề sẽ báo ngay cho người nông dân.
Enfarm hiện đang tìm giải pháp để đăng ký sáng chế trong lĩnh vực phần mềm. Đỗ Dũng tiết lộ, Enfarm đã dùng machine learning (máy học thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo) test (nghiên cứu) trên khoảng 1.000 mẫu đất để có thể tìm ra quy luật kết nối chất dinh dưỡng với độ ẩm, độ pH và các yếu tố khác trong đất, từ đó đưa ra công thức đo dinh dưỡng đất.
Xác định “độ chính xác cao thì đổi lại chúng tôi phải làm “bác sĩ chuyên khoa”, hiện tại công nghệ của Enfarm ứng dụng được cho cây cà phê và cây sầu riêng.
Thuyết phục các Shark đầu tư 5 tỷ đồng cho 5% cổ phần, Đỗ Dũng cũng lần lượt đưa ra các con số chứng minh về việc sản phẩm được đón nhận.
Cụ thể, với hơn 15 tỷ đầu tư ban đầu, sau hai năm phát triển công nghệ, Enfarm đã bán thử nghiệm vào sau Tết 2024. Tính đến thời điểm lên Shark Tank gọi vốn, startup đã bán được 500 điểm cảm biến, thu khoảng 1,5 tỷ. Riêng tháng 6 bán được 300 cảm biến.
Đỗ Dũng nêu quan điểm rằng với người nông dân, lòng tin là quan trọng nhất, nếu họ không tin sẽ không bao giờ có bước tiếp theo. Vì thế trong giai đoạn hiện tại, cam kết của startup với người dùng là nếu có trục trặc kỹ thuật sẽ xử lý ngay.
Nói về giai đoạn tiếp theo, Đỗ Dũng bày tỏ mong muốn phát triển mô hình subscription (thu phí thuê bao) bao gồm cả thiết bị và phân. Anh lấy ví dụ rằng nông dân trồng cà phê chi 30 – 40 triệu đồng tiền phân bón/hecta. Anh sẽ thu 20 triệu nhưng đảm bảo năng suất tương đương hoặc hơn so với khi chưa sử dụng công nghệ của Enfarm.
Shark Bình nhận xét startup lên Shark Tank hơi sớm, chưa có nhiều số liệu kinh doanh thuyết phục nên ông từ chối đầu tư.
Đồng quan điểm, Shark Minh Beta cũng từ chối đầu tư bởi ngần ngại khi doanh số của startup còn ít, chưa chứng minh được hiệu quả trong thời gian đủ lâu.
Shark Phi Vân cũng từ chối đầu tư bởi công nghệ không phải là lĩnh vực thế mạnh của bà.
Về phía Shark Hưng, ông đưa ra đề nghị đầu tư 1 tỷ cho 5% cổ phần, 4 tỷ còn lại đầu tư theo hình thức khác, sẽ đàm phán kỹ hơn tại vòng thẩm định doanh nghiệp.
Nói về thế mạnh của mình, Shark Hưng cho biết bản thân ông là Thạc sĩ và ông có một đối tác là Tiến sĩ cùng ngành với Enfarm. Bên cạnh đó, ông có thể giúp startup kết nối với các viện nghiên cứu ở châu Âu, đồng thời giúp startup cấu trúc mô hình kinh doanh để kiếm tiền.
Shark Thái thì đưa ra đề nghị đầu tư 6 tỷ cho 30% cổ phần, giải ngân trong vòng một năm tùy theo kết quả kinh doanh thực tế.
Đỗ Dũng cho biết, định giá các Shark đưa ra ở mức thấp, mặt khác, Enfarm đã nhận được quyết định đầu tư của ba quỹ trong và ngoài nước. “Tất nhiên đây là khoản đầu tư mạo hiểm vào một sản phẩm ở giai đoạn đầu. Thế nhưng sự kiểm chứng về mặt khoa học có thể chứng minh khi chúng tôi làm việc với một loạt tập đoàn lớn cũng như các viện nghiên cứu đều thấy đây là một sự đột phá”, nhà sáng lập Enfarm lập luận và từ chối đề nghị đầu tư của các Shark.