Sự cố Chin-su, ông chủ Masan kỳ vọng gì ở Techcombank của Hồ Hùng Anh?

10/04/2019 20:24 GMT+7
Techcombank đã đóng góp gần 2.000 tỷ đồng vào lợi nhuận hợp nhất của Masan do ông Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch HĐQT. Năm 2019, ông chủ Masan kỳ vọng Techcombank “Mang đến đời sống tài chính hiện đại cho tất cả người tiêu dùng Việt”. Từ đó giúp gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng cũng như đóng góp vào lợi nhuận chung cuả Masan.

Báo cáo thường niên 2018 được Masan công bố mới đây cho thấy, hiện tại doanh nghiệp này đang sở hữu 20% lợi ích trực tiếp trong Techcombank.

Báo cáo này được Masan công bố tới cổ đông 2 ngày trước khi xảy ra sự cố Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin Su vì có chứa chất cấm (ngày 6.4.2019).

Mang đến đời sống tài chính hiện đại cho tất cả người tiêu dùng Việt 

Báo cáo thường niên cho thấy, trong năm 2018, Techcombank đã phát hành lại 172.353.345 cổ phiếu quỹ cho các cổ đông ngoài Công ty và các công ty con. Do đó, Tập đoàn sở hữu 20% lợi ích trực tiếp trong Techcombank do tỷ phú USD Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch HĐQT.

Ngoài ra, Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang còn sở hữu 1,5% lợi ích trong Techcombank thông qua một hợp đồng kỳ hạn (1/1/2018: 25,2%). Giao dịch này chưa được hoàn tất và sẽ được thực hiện tùy thuộc vào các điều khoản trong hợp đồng.

Riêng với Chủ tịch tập đoàn Masan là ông Nguyễn Đăng Quang đang giữ vai trò là Phó Chủ tịch HĐQT tại Techcombank.

Như vậy, trong hệ sinh thái của Masan, ngoài Masan Consumer, Masan Nutri-Science, Masan Resources thì Techcombank là lĩnh vực hiện đang được chủ tịch tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang đặt nhiều kỳ vọng. Năm 2018, Techcombank đã đóng góp gần 2.000 tỷ đồng vào lợi nhuận của Masan.

“Trong năm 2018, công ty liên kết Techcombank của chúng tôi đã trở thành ngân hàng cổ phần đầu tiên có lợi nhuận trước thuế (“PBT”) vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng với tăng trưởng doanh thu liên tiếp trong 13 quý. Techcombank đã đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của chúng tôi khi đóng góp 1.895 tỷ đồng vào lợi nhuận hợp nhất của Công ty.

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Techcombank tạo ra các kỉ lục mới với lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 10.661 tỷ đồng (tăng 31% so với năm 2017) và tổng thu nhập hoạt động là 16.927 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2017).

Kết quả vượt bậc này đạt được là nhờ sự phát triển của tất cả bộ phận kinh doanh, trong đó tăng trưởng tín dụng tăng 20% trong năm 2018 còn chất lượng tài sản ở mức ổn định với mức nợ xấu đạt 1,8% vào cuối năm 2018. Chi phí tín dụng thấp hơn và sự chặt chẽ trong quản lý chi phí cũng đóng góp vào lợi nhuận, trong khi đó tỷ suất lợi nhuận trên trung bình vốn (“ROAE”) là 21,5% và tỷ suất lợi nhuận trên trung bình tài sản (“ROAA”) là 2,9%.”, báo cáo trình bày.

Với hoạt động của Techcombank, ông Nguyễn Đăng Quang thừa nhận, ngân hàng này đã ghi dấu ấn khi trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường về doanh số thanh toán qua thẻ Visa (đối với cả thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ) trong năm 2018, đồng thời tiếp tục giữ vững ngôi vị số 1 trên thị trường bảo hiểm ngân hàng (bancassurance).

Tuy nhiên, cũng trong năm vừa qua, ngân hàng của ông Hồ Hùng Anh phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần nhằm củng cố cấu trúc tài chính, “do đó, làm giảm lợi ích kinh tế của Masan Group tại Techcombank”, báo cáo cho hay.

Trong viễn cảnh 5 năm tiếp theo của Masan với doanh thu 5 tỷ USD vào năm 2022, chi tiêu của người tiêu dùng Việt tăng gấp đôi, đạt 10,2%, và biên lợi nhuận thuần từ 12-15% vào năm 2022, ông Nguyễn Đăng Quang cũng đặt kỳ vọng vào sự đóng góp của Techcombank vào bức tranh phát triển chung của tập đoàn.

Trong bức tâm thư gửi cổ đông của chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang, ông Quang viết: “Với chiến lược hệ sinh thái và đặt khách hàng làm trọng tâm, Techcombank đã trở thành ngân hàng cổ phần hàng đầu với doanh thu tăng trưởng trong vòng 13 quý liên tiếp. Sự chuyển mình này đã mang lại những kết quả nổi bật, nhưng tôi tin rằng đây chỉ mới khởi đầu”.

Ông Quang phân tích, hiện Techcombank giữ vị trí số 1 trong nhóm khách hàng trung lưu với 35% thị phần, nhưng nhóm này chỉ chiếm 0,26% dân số. Ở nước ta có 70% dân số là nhóm khách hàng phổ thông, trong đó 90% trong số này chưa tiếp cận đến dịch vụ ngân hàng.

Ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh 

Chưa kể, ngân hàng đang đẩy mạnh phát triển công nghệ, mở rộng danh mục sản phẩm và các kênh và chiến lược gắn kết khách hàng nhằm cung cấp cho phân khúc khách hàng phổ thông sản phẩm phục vụ đời sống tài chính độc đáo và hiện đại. Chỉ có một mô hình dịch vụ khác biệt và đáp ứng đúng nhu cầu mới có thể thành công khi có sự chênh lệch rất lớn giữa khả năng và nhu cầu.

“Tôi tin mọi người sẽ thấy được sự thâm nhập mạnh mẽ vào phân khúc này trong giai đoạn 2019 và 2020. Bằng việc đặt trọng tâm vào đời sống tài chính của khách hàng hơn là chỉ triển khai các dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp và tầng lớp trung lưu.

Tôi tin ngân hàng sẽ tiếp tục đạt được tăng trưởng doanh thu bền vững nhờ vào thu nhập từ phí. Tỷ lệ ROAE dẫn đầu ngành với 20%+ và đạt lượng khách hàng bán lẻ ít nhất 15 triệu người. Điều này hoàn toàn nhất quán với chiến lược kinh doanh của ngân hàng “Rủi ro thấp – Lợi nhuận cao” và giúp quản lý ví tiêu dùng của kháng hàng”, chủ tịch Masan nhấn mạnh.

Lợi nhận vạn tỷ, tăng vốn điều lệ lên trên 35 nghìn tỷ

Nói về Techcombank của ông Hồ Hùng Anh, mới đây ngân hàng này cũng đã công bố nội dung các tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 với nhiều điểm đáng chú ý.

Về chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2019, Techcombank do ông Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch HĐQT đặt mục tiêu tăng trưởng 10% so với năm 2018 lên mức 11.750 tỷ đồng. Nếu không tính lợi nhuận bất thường từ việc bán TechcomFinance, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 theo mục tiêu sẽ tăng trưởng 20% so với năm ngoái.

Ngoài ra, mội số chỉ tiêu tài chính quan trọng khác trong năm 2019 đã được Techcombank thông qua bao gồm: Tổng tài sản đạt 375.821 tỷ đồng, tăng 17% sau một năm; huy động vốn kế hoạch đạt 274.156 tỷ đồng, tăng 32%; dư nợ tín dụng đạt 245.366 tỷ đồng, tăng 13% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép; tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp hơn 2,5%.

Cũng theo các công bố nội dung các tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh tiếp tục chiến lược không chia cổ tức.

Đồng thời, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh cũng đưa ra kế hoạch phát hành, bán cổ phần cho người lao động (ESOP) trong năm nay với tổng lượng phát hành dự kiến tối đa 10 triệu cổ phiếu phổ thông (tương đương 0,29% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho cán bộ nhân viên với giá phát hành bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cp.

Vốn điều lệ mới sau khi tăng theo dự kiến của Techcombank là 35.066 tỷ đồng.

Theo Danviet
Cùng chuyên mục