Sức nóng của thị trường thịt lợn sẽ kéo dài tới 2020

24/10/2019 14:38 GMT+7
Do sức ảnh hưởng của Dịch tả heo, thêm sức ép từ thịt nhập khẩu đã khiến thị trường thịt heo trong nước biến động mạnh trong những ngày đầu tháng 10, và dự báo sẽ tiếp tục là "tâm điểm" đến 2020

Giá lợn nhảy như "chứng khoán"

Tại Việt Nam, giá thịt lợn trong 10 tháng đầu 2019 biến động mạnh. Khi dịch tả lợn mới bắt đầu xâm nhập vào nước ta, nhiều hộ chăn nuôi xả đàn để tránh mất trắng khiến giá heo thấp kỉ lục, chỉ trung bình từ 30 – 40.000 đồng/kg

Nhưng bắt đầu từ tháng 7/2019, giá bắt đầu có dấu hiệu hồi phục khi nguồn cung trở nên khan hiếm, lượng lợn do các hộ gia đình nuôi bị giảm mạnh, chỉ còn rất ít con có trọng lượng trên 100 kg, trong khi nhu cầu tiêu dùng ổn định trở lại và có thông tin một lượng nhỏ thịt lợn tại các tỉnh biên giới phía Bắc được xuất khẩu sang Trung Quốc kể từ đầu tháng 8/2019. Giá tăng liên tiếp, đến ngày 24/10 đã chạm mốc 62.000 đồng/kg, tức là cao hơn trên 60% so với lúc thấp điểm của tháng 6/2019.

Sức nóng của thị trường thịt lợn sẽ kéo dài tới 2020 - Ảnh 1.

Bộ Công Thương dự báo, giá heo hơi được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên mức cao, nhất là những tháng cuối năm do dịch tả lợn châu Phi vẫn bùng phát, tổng đàn heo giảm mạnh, trong khi người chăn nuôi không dám tái đàn. Dịch tả lợn châu Phi làm cho sản lượng heo thịt năm 2019 thấp hơn rất nhiều so với năm 2018.

Nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung khan hiếm

Với sự thiếu hụt nguồn cung do dịch tả lợn châu Phi vừa diễn ra và tốc độ tái đàn đang diễn ra chậm nên giá thịt lợn trong thời gian tới sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Ngoài ra, tại Trung Quốc cũng đang khan hiếm nguồn thịt lợn, việc Trung Quốc nhập thịt lợn với giá cao sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường thịt lợn trong nước.

Sức nóng của thị trường thịt lợn sẽ kéo dài tới 2020 - Ảnh 2.

Sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn dẫn tới nhiều sự biến động mạnh trong thị trường

Trước sức ép nguồn cung trong nước thiếu hụt đã đẩy giá lợn tăng cao chưa từng có, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tính đến các biện pháp bình ổn.

Theo đó, sẽ tiếp tục cân nhắc chuyện nhập khẩu thịt lợn, đẩy mạnh tái đàn ở những khu vực an toàn dịch bệnh, bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt bằng các loại thịt gà, trâu, bò, thủy sản...

Một số biện pháp đã được triển khai nhưng, do phải tiêu hủy gần 6 triệu con, cộng với cơ cấu thịt lợn vẫn chiếm 70% thực phẩm trong bữa ăn của người Việt... Thiếu hụt thịt lợn cục bộ có thể vẫn diễn ra nhất là thời điểm cuối năm nhu cầu tăng cao.

Theo PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hiện giá lợn hơi đang cao nhất từ trước tới nay. Do mới qua dịch tả lợn châu Phi tâm lý người dân còn e ngại nên tái đàn rất ít, cung - cầu mất cân đối.

Người nuôi lợn lúc này thu được lợi nhuận cao nhưng cũng phải thận trọng, bởi vì lợi nhuận cao sẽ lại tái đàn. Việc tái đàn ồ ạt đến khi cung nhiều cầu ít. "Nhà nước cần phải có các giải pháp để bình ổn giá, có thể sẽ nhập khẩu thịt lợn. Nếu để giá lợn lên cao sẽ ảnh hưởng tới đời sống của người dân, trực tiếp là những người có mức thu nhập thấp trong xã hội", PGS TS Ngô Trí Long nói.

Nhìn thấy mức lợi nhuận "khủng" trước mắt, lượng thịt lợn nhập khẩu cũng tăng một cách đột biến.Theo thống kê mới nhất của Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh, nhập khẩu thịt heo qua các cửa khẩu hải quan tại  thành phố trong gần 10 tháng năm 2019 tăng 155% về lượng và 154% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, trong thời gian này, tổng lượng thịt heo nhập khẩu vào TP.Hồ Chí Minh đạt 10.820 tấn, trị giá hơn 21,3 triệu USD.

Sức nóng của thị trường thịt lợn sẽ kéo dài tới 2020 - Ảnh 3.

Bày tỏ quan điểm về việc thịt heo nhập khẩu tăng đột biến, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, lượng thịt nhập khẩu tăng đột biến có thể do các doanh nghiệp lo ngại sẽ thiếu hụt đáng kể nguồn thịt heo do dịch tả heo châu Phi.

"Tuy nhiên, đứng trên góc độ quyền lợi của người chăn nuôi trong nước thì quan điểm của tôi là không khuyến khích tăng nhập khẩu thịt. Người chăn nuôi heo đã trải qua 3 năm vất vả, hết bão giá, đến dịch bệnh, hiện giá heo hơi có tăng nhưng cũng không đủ bù đắp những thiệt hại mà họ đã mất. Vì vậy, nếu người tiêu dùng có sử dụng thịt heo đắt hơn một chút thì cũng là để chia sẻ với những khó khăn của người chăn nuôi, giúp ngành chăn nuôi phục hồi" - ông Dương nói.

Mai Trang
Cùng chuyên mục