Tăng trưởng GDP Thái Lan quý II đạt 7,5% nhưng dự báo triển vọng nửa cuối năm ảm đạm
Mức tăng trưởng GDP 7,5% trong quý II của Thái Lan dựa trên sự so sánh với thời điểm quý II/2020, khi dịch bệnh bắt đầu lây lan rộng tại quốc gia Đông Nam Á này buộc Bangkok thực hiện nhiều biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt, kéo theo nhiều hệ lụy kinh tế. Thêm vào đó, đà phục hồi chung của kinh tế toàn cầu cũng tạo động lực cho mức tăng trưởng GDP mà Thái Lan đạt được trong quý II.
Khi các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu bắt đầu mở cửa trở lại và ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu của Thái Lan đã tăng vọt 36,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái ngược với làn sóng dịch năm ngoái, dù biến thể delta lây lan nhanh chóng từ cuối tháng 6 nhưng chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã không áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ngay từ đầu do quan ngại tác động kinh tế quá lớn.
Cho đến khi tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng vào giữa tháng 7, Bangkok mới buộc phải tái thiết lập các lệnh hạn chế nghiêm ngặt, bao gồm cả lệnh giới nghiêm vào ban đêm ở nhiều tỉnh thành. Công báo Hoàng gia Thái Lan cuối ngày 16/7 cho biết một lệnh cấm tụ tập nơi công cộng đã chính thức được áp dụng trên phạm vi cả nước kèm theo hình phạt tối đa cho những người vi phạm lên tới 2 năm tù giam hoặc phạt tiền lên tới 40.000 baht (1.219,88 USD) hoặc cả hai. Các khu vực có nguy cơ cao tại Thái Lan đã bị áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất trong hơn một năm vào đầu tuần này với việc hạn chế tụ tập và di chuyển, giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng, đóng cửa mọi trung tâm thương mại và một số cơ sở kinh doanh không thiết yếu.
Các biện pháp như vậy dự kiến sẽ làm giảm mạnh chi tiêu tiêu dùng cũng như triển vọng du lịch. Do đó, các nhà phân tích cảnh báo triển vọng kinh tế Thái Lan trong những tháng tiếp theo nhìn chung là ảm đạm.
Các nhà hoạch định chính sách Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay từ mức 1,5-2,5% xuống còn 0,7-1,2% do tác động quá lớn từ đại dịch. Đây là lần thứ ba Thái Lan hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021. Động thái này phù hợp với nhiều tổ chức kinh tế khác. Chẳng hạn, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á từ 1,8% xuống 0,7% trong một tuyên bố chính sách được công bố sau cuộc họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ vào ngày 4/8. Một số nhà kinh tế tư nhân thậm chí còn đưa ra dự báo tồi tệ hơn.
"Rủi ro suy giảm đối với triển vọng kinh tế vẫn còn đáng kể do nguy cơ dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở Thái Lan cũng như một số quốc gia Đông Nam Á khác. Ủy ban Chính sách Tiền tệ sẽ theo dõi chặt chẽ những rủi ro này cũng như tác động của nó đến chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thị trường việc làm, thu nhập người lao động cũng như lượng khách du lịch quốc tế” - Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết trong một tuyên bố hồi tuần trước
Ông Chayavadee Chai-anan, Giám đốc cấp cao của Vụ Kinh tế vĩ mô trực thuộc Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho hay trong kịch bản lạc quan nhất, nếu lệnh đóng cửa được dỡ bỏ vào giữa tháng 8, thì làn sóng dịch hiện tại do biến thể delta gây ra vẫn sẽ làm giảm GDP quốc gia Đông Nam Á này khoảng 0,8%. Trong tình huống dịch bệnh kéo dài đến cuối năm, nó có thể thổi bay khoảng 2% trong tăng trưởng GDP của Thái Lan.
Tính đến hôm 15/7, Thái Lan ghi nhận hơn 885.000 ca nhiễm Covid-19 với hơn 7.300 trường hợp tử vong. Trong 7 ngày gần nhất, số ca mắc mới bình quân hàng ngày lên tới 21.250 ca. Chính phủ Thái Lan cho biết biến thể delta gây ra tới 60% các ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn quốc và hơn 80% các ca nhiễm mới tại thủ đô Bangkok. Một báo cáo của Reuters cho thấy từ những tuần trước, một số bệnh viện tại Bangkok đã buộc phải cất giữ thi thể bệnh nhân Covid-19 trong các container lạnh vì nhà xác quá tải.