Tập đoàn PAN (PAN): Tôm xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, kéo lợi nhuận sau thuế quý II tăng 65%

30/07/2021 08:08 GMT+7
CTCP Tập đoàn PAN (HNX: PAN) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II. Mảng tôm xuất khẩu và mảng kinh doanh giống cây trồng của PAN ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, kéo theo lợi nhuận sau thuế tăng 65% đạt gần 110 tỷ đồng.

Cụ thể, quý II, doanh thu thuần của PAN đạt 2.280 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 61 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 2,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 8,1 tỷ đồng lên 308,4 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 41,2%, tương ứng giảm 35,6 tỷ đồng về 50,8 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 19,1%, tương ứng giảm 16,3 tỷ đồng về 68,9 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 43,7%, tương ứng giảm 40,6 tỷ đồng về 52,3 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 11,26 tỷ đồng lên âm 1,3 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Việc tiết giảm chi phí đầu vào, chủ động nguồn cung nhờ chuỗi giá trị khép kín và kinh doanh mặt hàng có hiệu quả kinh tế cao đã giúp lợi nhuận sau thuế của tập đoàn tăng 65% lên gần 110 tỷ đồng.

Doanh nghiệp thuyết minh nguyên nhân lợi nhuận tăng trong kỳ do sự tăng trưởng trong doanh thu mảng giống cây trồng, gạo đóng gói, tôm xuất khẩu và bánh kẹo, khi nhu cầu các loại hàng hóa tăng cao trở lại và điểm tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa được khai thông sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát trong nửa đầu năm nay. Ngoài ra, lợi nhuận hợp nhất tăng cao do các biện pháp tiết giảm chi phí đầu vào, chủ động nguồn cung nhờ chuỗi giá trị khép kín, đẩy mạnh kinh doanh các mặt hàng có hiệu quả kinh tế cao.

Lũy kế 6 tháng, Tập đoàn PAN đạt doanh thu hợp nhất 3.960 tỷ đồng, tăng 27% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 83 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. 

Tập đoàn PAN (PAN): Tôm xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, kéo lợi nhuận sau thuế quý II tăng 65% - Ảnh 1.

Mảng tôm xuất khẩu và mảng kinh doanh giống cây trồng của PAN quý II ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Ảnh PAN

Trong đó, mảng tôm xuất khẩu và mảng giống cây trồng lần lượt đóng góp 42% và 20% vào kết quả doanh thu hợp nhất.

Được biết, trong năm 2021, PAN đặt kế hoạch doanh thu thuần là 10.025 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 419 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,4% và 25,7% so với thực hiện trong năm 2020. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành được 38,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới 30/6/2021, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng 8,2% so với đầu năm lên 12.264,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định đạt 3.373,5 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 3.273,8 tỷ đồng, chiếm 26,7% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.383 tỷ đồng, chiếm 19,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.472 tỷ đồng, chiếm 12% tổng tài sản.

Ngoài ra, trong kỳ tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 22,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 852,6 tỷ đồng lên 4.671,5 tỷ đồng và chiếm 38,1% tổng nguồn vốn.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/7, cổ phiếu PAN giảm 1,1% xuống 26.400 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh hơn 0,73 triệu đơn vị.

Cũng liên quan đến PAN, bà Nguyễn Thị Trà My, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn PAN đã bán 1,799 triệu cổ phiếu PAN theo phương thức thỏa thuận, từ ngày 15/7 đến ngày 27/7.

Sau giao dịch, bà Trà My giảm sở hữu tại Tập đoàn Pan từ 2.769.266 cổ phiếu, tỷ lệ 1,28% xuống còn 970.266 cổ phiếu PAN, tương ứng tỷ lệ 0,45%.

Được biết, trước đó, bà Trà My đã đăng ký bán 2,768 triệu cổ phiếu PAN từ ngày 15/7 đến ngày 13/8/2021.

Cùng thời gian trên, CTCP CSC Việt Nam do bà Trà My làm Chủ tịch HĐQT đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu PAN theo phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh. Hiện tổ chức này đang nắm giữ 9,79 triệu cổ phiếu PAN, tỷ lệ 4,52%. Nếu giao dịch thành công, CSC Việt Nam sẽ nâng sở hữu tại PAN lên 12,79 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,9% và trở thành cổ đông lớn của Tập đoàn PAN.


An Vũ
Cùng chuyên mục