Thẩm phán Mỹ chặn lệnh cấm TikTok vào phút chót, thương vụ TikTok - Oracle bế tắc
Lệnh của chính phủ Mỹ buộc Apple và Google gỡ TikTok khỏi cửa hàng ứng dụng đáng lẽ đã có hiệu lực vào cuối ngày Chủ nhật 27/9 vừa qua. Nhưng sau phiên điều trần cùng ngày, thẩm phán Carl Nichols từ Tòa án quận Columbia đã ra lệnh tạm thời chặn lại lệnh cấm này.
Phản hồi lại sắc lệnh mới nhất của thẩm phán Carl Nichols, phía TikTok tuyên bố: “Chúng tôi rất vui mừng vì tòa án đã đồng ý với các lập luận pháp lý của chúng tôi và ban hành lệnh chặn lại việc cấm ứng dụng TikTok. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình vì lợi ích của cộng đồng người dùng và nhân viên”.
“Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ duy trì đối thoại liên tục với chính phủ Mỹ để biến đề xuất mà Tổng thống Trump đã phê duyệt sơ bộ vào cuối tuần trước thành một thỏa thuận tốt đẹp”.
Cũng trong phiên điều trần bất thường sáng 27/9 (giờ Mỹ), John E. Hall, luật sư của TikTok khẳng định bất cứ lệnh cấm tải xuống nào ứng dụng này cũng là điều "chưa từng có" và "phi lý". “Đây chỉ là một nỗ lực trắng trợn để hạ gục công ty”.
Tuy nhiên, không có quyết định nào chặn lại lệnh cấm TikTok toàn diện hơn sắp có hiệu lực vào ngày 12/11 tới. Lệnh cấm vào 2 tuần sau có thể sẽ khiến người dùng TikTok không thể sử dụng ứng dụng này một cách bình thường ngay cả khi đã tải về thiết bị di động của mình.
Về phía Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan này tuyên bố sẽ tiếp tục bảo vệ lệnh hành pháp về việc cấm cửa TokTok do điều này “phù hợp với luật pháp và thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia hợp pháp”.
Đầu tháng này, Bộ Thương mại Mỹ đã yêu cầu các bên liên quan như Apple và Google xóa TikTok khỏi cửa hàng ứng dụng tại Mỹ vào ngày 20/9. Lệnh này sau đó bị trì hoãn một tuần sang ngày 27/9 trong bối cảnh các cuộc đàm phán về thỏa thuận bán lại TikTok Mỹ tiếp tục diễn ra. Đến hôm 27/9 vừa qua, lệnh cấm này tiếp tục bị trì hoãn theo yêu cầu của thẩm phán Nichols.
Trong khi đó, thỏa thuận mua lại TikTok Mỹ giữa ByteDance với Oracle và Walmart vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Theo đó, ByteDance, công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc tuyên bố sẽ thành lập một công ty mới có trụ sở tại Mỹ để kiểm soát hoạt động của TikTok Mỹ mang tên TikTok Global. Trong đó, ByteDance nắm giữ 80% cổ phần TikTok Global còn Oracle và Walmart nắm giữ 20% cổ phần còn lại. Nhưng Oracle đã phản đối điều này, nói rằng ByteDance sẽ "không có quyền sở hữu" đối với TikTok Global.
Washington từ lâu đã khẳng định ứng dụng TikTok thuộc sở hữu của ByteDance hiện là mối đe dọa lớn với an ninh quốc gia Mỹ, do chính phủ Trung Quốc có thể thông qua ứng dụng này để thu thập dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng Mỹ. Các nhà lập pháp Mỹ cũng nhiều lần cáo buộc ứng dụng phổ biến này có mối liên kết với chính phủ Trung Quốc và có khả năng được tận dụng trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh.