Thanh khoản 'căng', Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 31.500 tỷ đồng

02/04/2019 14:29 GMT+7
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 31.500 tỷ đồng ra thị trường nhằm "hạ nhiệt" căng thẳng thanh khoản.

Thanh khoản 'căng', Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 31.500 tỷ đồng ra thị trường

Căng thẳng thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hàng chục nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 25/3 - 29/3 của Công ty Chứng khoán SSI, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng 32.600 tỷ đồng qua kênh tín phiếu với 37.500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn và 4.900 tỷ đồng tín phiếu bán ra, nhưng vẫn hút ròng qua kênh OMO 1.094 tỷ đồng.

Tính chung lại, NHNN đã bơm ròng 31.506 tỷ đồng trên thị trường mở, gia tăng nguồn cung trong bối cảnh các ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng thanh khoản.

Trong khi đó, lãi suất trên liên ngân hàng bật tăng 0,58 - 0,67 điểm% ở các kỳ hạn lên mức 4,3%/năm với kỳ hạn qua đêm và 4,33%/năm với kỳ hạn 1 tuần khiến cho chênh lệch lãi suất VND-USD được nới rộng lên mức 1,7-1,8%/năm với các kỳ hạn 1 tháng trở xuống.

"NHNN hút ròng hơn 187 nghìn tỷ trong 6 tuần liên tục trước đó và nhu cầu thanh toán cuối tháng cho các khoản giấy tờ có giá của các ngân hàng thương mại nhà nước lớn đã khiến nguồn cung VND sụt giảm trên liên ngân hàng, trong khi nhu cầu của hầu hết các ngân hàng thương mại khác lại gia tăng để chốt số tháng 3/2019 là nguyên nhân chính khiến lãi suất trên liên ngân hàng tăng mạnh", SSI lý giải.

Tuy nhiên, theo nhận định của SSI, diễn biến tuần qua chỉ mang tính chất thời điểm, lãi suất trên liên ngân hàng sẽ dịu lại khi qua mốc cuối quý.

Trên thị trường 1, lãi suất ghi nhận mức tăng từ 0,2 - 0,3 điểm% với kỳ hạn 6-9 tháng ở một vài ngân hàng thương mại, lãi suất huy động hiện tại vẫn duy trì ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, 5,5-7,5% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.

Theo thông tin từ NHNN, tính từ đầu năm đến 25/3/2019, tín dụng toàn ngành tăng 2,28%, tổng phương tiện thanh toán 2,67%; mức này thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng trong quý I/2018 lần lượt là 3,56% và 4,01%.

"Với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 ở mức 14% tức là tương đương với năm 2018, tín dụng nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh giải ngân trong quý 2 kéo theo sự gia tăng nhu cầu huy động vốn và giữ lãi suất ở mặt bằng hiện tại", SSI cho hay.

Áp lực tỷ giá hiện rất thấp

Tuần qua, tỷ giá USD/VND giảm 5 VND/USD ở cả 2 chiều về mức 23.150/23.250 trên ngân hàng nhưng lại tăng 10 VND/USD ở chiều mua vào và 5 VND/USD ở chiều bán ra trên thị trường tự do, về mức 23.195/23.205. Tỷ giá trung tâm sau một tuần đứng yên được tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 23 VND/USD lên mức 22.980 VND/USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến 20/3, Việt Nam thu hút được 785 dự án FDI cấp phép mới với số vốn đăng ký 3,82 tỷ USD (tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái); số vốn đầu tư góp vốn, mua cổ phần đăng ký đạt 5,69 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2018); vốn FDI giải ngân là 4,1 tỷ USD (tăng 6,2%).

"Nguồn cung ngoại tệ dồi dào giai đoạn vừa qua đã giúp NHNN liên tục mua vào USD, gia tăng dự trữ ngoại hối. Thêm vào đó, cán cân thương mại hàng hóa 3 tháng đầu năm thặng dư 536 triệu USD, chênh lệch lãi suất VND-USD vẫn ở mức cao, tỷ giá USD/CNY ổn định nên áp lực với tỷ giá USD/VND hiện rất thấp, VND sẽ duy trì dao động quanh mức 23.200 VND/USD", SSI đánh giá.

 

Minh Tâm
Cùng chuyên mục