Thanh long còn 5.000 đồng/kg vì virus Corona: Làm thế nào để không lệ thuộc Trung Quốc?
Giống như dịch SARS, dịch bệnh do virus Corona gây ra cuối cùng sẽ qua đi. Nhưng câu hỏi lớn được đặt ra đối với nhiều người lúc này, đó là: “Dịch bệnh do virus Cornona gây ra sẽ ảnh hưởng thế nào tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam?”.
“Tháng 2 là tháng quan trọng nhất, nếu không kiểm soát được sự bùng nổ của dịch bệnh do virus Corona gây ra thì chúng ta khó mà lường trước ảnh hưởng của nó tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo. |
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trước mắt, chỉ có thể biết dịch bệnh do virus Corona gây ra sẽ ảnh hưởng tới kinh tế, đặc biệt với hai ngành du lịch và xuất nhập khẩu. Nếu muốn đánh giá chính xác tác động của dịch bệnh Corona đối với kinh tế Việt Nam, cần phải chờ đến khi dịch bệnh này kết thúc.
Thực tế, chỉ ít ngày qua, dịch bệnh do virus Corona gây ra đã tạo nên những con sóng dữ trên nhiều thị trường tài chính, chứng khoán. Và TTCK Việt Nam Việt Nam không nằm ngoài tầm ảnh hưởng 2 phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý đã ghi nhận việc chỉ số VnIndex giảm tới 5,61%, lần lượt xuyên thủng các mốc hỗ trợ quan trọng. Còn vốn hoá toàn thị trường, theo một số tính toán, đã “bốc hơi” ít nhất 5 tỷ USD trong bối cảnh giới đầu tư trong nước lo ngại dịch bệnh do virus Corona.
Đáng chú ý, trong hai phiên giao dịch ngày 30/1 và 31/1, trong khi cổ phiếu hàng không đồng loạt giảm sàn thì nhóm cổ phiếu dược phẩm và thiết thị y tế lại tăng trần.
Bình luận về những thông tin nêu trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng: “Trước tình trạng dịch bệnh đang lây lan nhanh, người dân tại nhiều nước đã đổ xô đi mua khẩu trang để phòng tránh dịch khiến giá khẩu trang tăng lên chóng mặt. Hiện tượng này đã tạo ra nhu cầu về dược phẩm lớn không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới cũng như vậy. Vậy nên, giá cổ phiếu của họ tăng rất mạnh”.
“Hầm trú ẩn an toàn nhất trong lúc này là trái phiếu Chính phủ, còn thị trường vẫn sẽ chịu những dao động mạnh do tâm lý lo ngại dịch bệnh do virus Corona gây ra”, TS. Nguyễn Trí Hiếu bông đùa. |
Khi được hỏi: “Trong bối cảnh bất ổn hiện nay, có nên lựa chọn mua vàng thay vì cổ phiếu, như một nơi trú ẩn an toàn?”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc một số cổ phiếu hàng không giảm sàn, bị bán mạnh trong ít ngày qua chưa thể hiện dấu hiệu tháo chạy của nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam.
“Việc nhà đầu tư có tháo chạy khỏi TTCK Việt Nam hay không còn tuỳ thuộc mức độ kiểm soát dịch bệnh do virus Corona gây ra ở Trung Quốc và những quốc gia có chung đường biên giới như Việt Nam, Lào, Nga… trong tháng 2/2020. Theo tôi, diễn biến trong những ngày vừa qua mới chỉ cho thấy sự xuống giá của số đông cổ phiếu trên sàn. Còn những ngày tới, tôi dự báo TTCK toàn cầu sẽ tiếp tục mất điểm. Đặc biệt, TTCK Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng rất mạnh. Còn TTCK Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng phần nào do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư. Quan sát chuyển động của khối ngoại, vốn luôn nắm giữ vai trò chủ đạo trên thị trường, tôi không thấy họ có dấu hiệu chạy khỏi Việt Nam.
Đây là thời điểm nhà đầu tư cần giữ tâm lý tỉnh táo, không nên vội vã tháo chạy hay có những quyết định đầu tư mang tính bầy đàn. Thay vào đó, cần nghiên cứu đầu tư những cổ phiếu có tính ổn định cao, tăng trưởng tốt, được phát hành bởi các tổ chức uy tín.
Nên hạn chế giải ngân vào những cổ phiếu ở những ngành nghề mang tính rủi ro cao trong thời điểm hiện tại như giao thông vận tải, thực phẩm, nông nghiệp, du lịch… Chuyển sang đầu tư vào những ngành nghề ít chịu tác động hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên.
Phân tích tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng dù hai lĩnh vực du lịch và xuất khẩu nông sản chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 10% trong cơ cấu GDP. Song thực tế, dịch bệnh do virus Corona có thể tạo tác động liên ngành.
“Dịch bệnh do virus Corona gây ra, về logic, sẽ khiến người dân tại các vùng bùng phát dịch bệnh phải giảm thiểu tiêu dùng, chi tiêu tiết kiệm hơn gây giảm tổng cầu tiêu thụ xã hội do sản xuất – kinh doanh tạm thời đình trệ, thu nhập giảm sút. Từ đây, lượng cung hàng hoá cũng có thể giảm do giảm sản xuất. Hoạt động kiểm soát dịch bệnh được thắt chặt cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động giao thương giữa các địa phương”, TS. Nguyễn Minh Phong bình luận. |
“Để đánh giá kỹ ảnh hưởng của virus Corona tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam không hề dễ. Nếu không có khách du lịch, một loạt ngành sản xuất – kinh doanh sẽ chịu ảnh hưởng, dễ thấy nhất là giao thông vận tải và bất động sản”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận xét.
Theo ông Phong, về lâu dài, dịch bệnh do virus Corona gây ra sẽ tạo ra ảnh hưởng ở tầm quốc tế.
“Hoạt động sản xuất bị co hẹp do dòng chảy lao động sẽ có xu hướng tránh né những khu vực bùng phát dịch bệnh, khiến hoạt động sản xuất – kinh doanh trong ngắn hạn sẽ tạm thời đình trệ. Nếu kéo dài có thể khiến các doanh nghiệp sở tại hoặc đóng cửa, hoặc tìm cách dịch chuyển tới khu vực khác. Từ đó, làm suy giảm động lực tăng trưởng chung tại các địa phương xảy ra dịch bệnh.
Đối với mối quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc, dịch bệnh do virus Corona cũng có thể làm chậm lại tiến trình đàm phán, thúc đẩy mở cửa hai bên”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận xét.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc thanh long từ mức giá 37.000 đồng/kg rớt xuống còn 5.000 đồng/kg là ví dụ cho thấy những rủi ro có thể xảy ra khi sản phẩm nông sản Việt Nam lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.