Thấy gì khi các ngân hàng chi hàng chục nghìn tỷ mua trái phiếu trước hạn?

22/07/2023 16:42 GMT+7
Ngân hàng liên tục là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại trái phiếu trước hạn. Chỉ tính riêng quý II/2023, đã có tới 17 ngân hàng xuống tiền mua lại trái phiếu trước hạn, tăng mạnh so với cùng kỳ và cả quý I/2023.

Thống kê từ HNX cho thấy, riêng trong quý II/2023 vừa qua đã có đến 17 ngân hàng xuống tiền mua lại trái phiếu trước hạn, tăng mạnh so với cùng kỳ và cả quý I/2023. Tổng khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn của nhóm ngân hàng đạt trên 57.000 tỷ đồng.

Trong quý II/2023 Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) đã tổ chức 10 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 7.500 tỷ đồng, trở thành ngân hàng mua lại nhiều trái phiếu trước hạn nhất quý này.

Các ngân hàng trong TOP mua lại nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất trong quý II/2023 còn có MSB; BIDV, OCB, ACB,… với giá trị trái phiếu mua lại trước hạn dao động từ 5.000 tỷ đồng – 6.000 tỷ đồng.

Techcombank, ABBank, VPBank, VIB, HDBank, Bắc Á Bank, Bản Việt, LPBank và Sacombank đều là những ngân hàng chi hàng nghìn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn trong quý II vừa qua.

Thấy gì khi các ngân hàng chi hàng chục nghìn tỷ mua trái phiếu trước hạn? - Ảnh 1.

Làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn của các ngân hàng vẫn chưa dừng lại trong tháng 7. Theo dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam - VBMA tổng hợp từ HNX và SSC cho thấy, trong nửa đầu tháng 7, ngân hàng tiếp tục là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 61.767 tỷ đồng).

Mới đây nhất, LPBbank công bố thông tin về việc tiếp tục chuẩn bị chi 1.000 tỷ đồng để mua lại lô trái phiếu trước hạn được phát hành ngày 26/7/2022, kỳ hạn trái phiếu là 3 năm. Nếu tính cả đợt mua lại này, LPBank dự kiến sẽ chi hơn 4.100 tỷ đồng để mua lại 4 lô trái phiếu trước hạn chỉ trong tháng 7.

Việc các ngân hàng mạnh tay chi tiền mua lại trái phiếu trước hạn, theo giới phân tích có 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, theo quy định hiện nay, những trái phiếu dài hạn đã phát hành những năm trước và khi không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm, thì bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá.

Như vậy, việc ngân hàng tìm cách mua lại trước hạn trái phiếu vừa giúp không phải khấu trừ mệnh giá, đồng thời có thêm dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm. Điều này tăng giá trị được tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng nhiều hơn. Từ đó, duy trì hệ số an toàn vốn luôn ở mức cao, cũng như đảm bảo cho các hệ số khác như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Chẳng hạn như tại LPBank, cùng với việc mua lại trái phiếu trước hạn, nhà băng này cũng đã thông qua phương án phát hành ra công chúng đợt 3 trị giá 2.287 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm. Đáng chú ý, kỳ hạn của trái phiếu này lên tới 7 năm và 10 năm, thay vì 3 năm như các trái phiếu được nhà băng này thực hiện mua lại. Trái phiếu dự kiến được phát hành trong Quý III - Quý IV/2023.

Lý do thứ 2, đó là thừa tiền. Trong bối cảnh việc giải ngân vốn đầu ra thấp, nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế vẫn ì ạch, mua lại trái phiếu dường như là một trong những cách giải quyết vấn đề này. Việc này phần nào làm giảm mức độ thừa tiền của các ngân hàng.

Số liệu thống kê mới đây cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 4,73%, thậm chí như tính toán của TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đến thời điểm hiện tại tăng trưởng tín dụng còn giảm, về gần mức 4%.

Chưa hết, quan sát diễn biến về lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cho thấy, trong tuần trước, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm mạnh về quanh 0,15%/năm, là mức thấp nhất trong vòng hơn 2,5 năm và ở thời điểm hiện tại vẫn đang duy trì ở mức 2,5%/năm. Những con số là dấu hiệu cho thấy thanh khoản các ngân hàng đang rất dư thừa.

Ngoài ra, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 24/4 đến 31/12, các ngân hàng được phép mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp đã bán mà không phải chờ tới 12 tháng… Các ngân hàng cũng có thể tự mua lại trái phiếu của chính mình đã phát hành nếu đảm bảo đủ điều kiện và thỏa thuận được với trái chủ, hoặc trong quy định phát hành trước đây có kèm điều khoản được mua lại.

Theo các chuyên gia kinh tế, Thông tư 03 sẽ cho phép các ngân hàng chủ động, linh hoạt mua lại trái phiếu của nhà đầu tư cá nhân, qua đó tăng tính thanh khoản cho thị trường, giảm áp lực đáo hạn trái phiếu, cũng là cách để tăng vai trò tạo lập thị trường của ngân hàng.


H.Anh
Cùng chuyên mục