Thấy gì từ thương vụ thoái vốn khỏi ACB của Dragon Capital sau 25 năm gắn bó?

09/03/2021 09:15 GMT+7
Trong quá khứ, nhiều mã cổ phiếu như REE hay DIG đều tăng trưởng nhanh trên thị trường chứng khoán sau khi Dragon Capital của ông Dominic Scriven thoái vốn. Liệu kịch bản này có lặp lại với ACB hay không?

Dragon Capital của ông Dominic Scriven thoái vốn tại ACB, dự thu hơn 3.000 tỷ

Như Etime đã đưa tin, ba quỹ liên quan tới ông Dominic Scriven vừa đăng ký bán ròng hơn 100 triệu cổ phiếu ACB, dự kiến thu về hơn 3.000 tỷ đồng. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận dự kiến từ 10/3 đến 8/4.

Trong đó, hai quỹ First Burns Investments Limited (FBIL) và Asia Reach Investments Limited (ARIL) đăng ký bán toàn bộ hơn 107,8 triệu cổ phiếu ACB đang nắm giữ. Quỹ FBIL muốn bán hơn 53,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 2,475%) còn quỹ ARIL đăng ký bán hơn 54,3 triệu cổ phiếu (2,514%).

Ngược lại, quỹ DC Developing Markets Strategies Public Limited Company (DCDMSPLC) muốn mua vào 5 triệu cổ phiếu ACB, nâng số cổ phiếu sau giao dịch lên gần 7,83 triệu cổ phiếu (tương đương 0,362%).

Như vậy nếu ba giao dịch thành công, ba quỹ liên quan tới Dragon Capital của ông Dominic Scriven sẽ bán ròng khoảng hơn 100 triệu cổ phiếu ACB.

Trên thị trường, cổ phiếu ACB đang được giao dịch ở vùng giá cao nhất từ trước đến nay, quanh mức 32.000 đồng/cp. Ước tính theo giá này, số cổ phiếu nhóm quỹ Dragon Capital của ông Dominic Scriven bán ròng có giá trị trên 3.000 tỷ đồng.

Trước đó, ARIL và FBIL cũng từng bán ra lần lượt 32,9 triệu và 13,7 triệu cổ phiếu ACB vào thời điểm giữa tháng 10/2020, khi ACB giao dịch quanh 24.000 đồng/cp.

Cổ phiếu ACB sẽ tăng hay giảm?

Được biết, ACB là khoản đầu tư thâm niên nhất của Dragon Capital, đồng thời là một trong những khoản đầu tư dài hơi nhất được ghi nhận trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.

Theo đánh giá của một chuyên gia chứng khoán, động thái thoái vốn của Dragon Capital tại ACB ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn hợp lý. Bởi hiện tại cổ phiếu ACB đang ở vùng giá cao lịch sử kể từ khi niêm yết năm 2006 đến nay, đạt 31.800 đồng/cổ phiếu (cuối ngày 8/3). Tính trong 6 tháng gần nhất, ACB cũng đã tăng hơn 60% thị giá từ vùng 20.000 đồng/cổ phiếu lên hiện tại. ACB cũng là một trong những cổ phiếu ngân hàng có mức tăng mạnh nhất 2 quý gần đây.

Thấy gì từ thương vụ 3.000 tỷ của Dragon Capital tại ACB - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu ACB sau khi chuyển sàn sang HoSE

Hơn nữa, trong thời gian vừa qua có nhiều động thái từ phía Dragon Capital của ông Dominic Scriven gần đây cho thấy các quỹ của họ đang dịch chuyển sang một danh mục thiên về tăng trưởng chứ không chỉ hoàn toàn mang tính căn bản và lâu dài như trước. Điều này được giới đầu tư nhận định là hợp lý trong một thị trường tài chính toàn cầu đang biến chuyển nhanh và xuất hiện những bước ngoặt như sự hiện diện của bitcoin (tiền kỹ thuật số) và sự bành trướng ngày một sâu rộng trong đời sống của các "ông lớn" công nghệ thế giới.

Đây không phải là lần đầu tiên Dragon Capital của ông Dominic Scriven thực hiện rút vốn đầu tư tại một tổ chức niêm yết. Còn nhớ, vào cuối năm ngoái sau khi Dragon Capital thoái toàn bộ vốn tại Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp – mã: DIG), thị giá của DIG thậm chí không giảm mà còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Theo đó, cổ phiếu DIG ghi nhận mức đỉnh 34.850 đồng/cp chỉ sau 15 ngày sau khi Dragon Capital thoái vốn, tăng trưởng gần 54% thị giá. Đến thời điểm hiện tại, thị giá của DIG giao dịch quanh ngưỡng 30.500 đồng/cp.

Hay như tại CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE), chỉ sau 2 tháng Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của REE, thị giá của REE tăng thêm 5% và sau 1 năm giá cổ phiếu REE tăng gần 77% so với mức giá Dragon Capital thoái vốn tại REE. Hiện thị giá của REE đang ở mức 56.000 đồng/cp.

Quay trở lại với trường hợp của ACB, không lâu sau khi chuyển sàn, ACB đã được cất nhắc vào rổ VN30, rổ nhóm cổ phiếu tài chính và danh mục của các quỹ giao dịch phỏng theo chỉ số ETF. Đặt trong mối tương quan với các cổ phiếu ngân hàng khác, rõ ràng vẫn còn dư địa cho ACB bứt phá. TCB đang gần 39.000 đồng/cp; VPB đã qua mốc 41.000 đồng/cp; VIB trên 43.000 đồng/cp.

Trong những cáo báo phát hành mới nhất, nhiều công ty chứng khoán cũng nâng kỳ vọng đối với cổ phiếu ACB với giá mục tiêu lên tới 35.400 đồng/cp.

Dù vậy, một chuyên gia chứng khoán cho rằng, kịch bản của REE hay DIG sẽ rất ít cơ hội xảy ra với cổ phiếu ACB. "ACB không phải là trường hợp duy nhất bị rút vốn, nên không thể nói công ty niêm yết bị nước ngoài thoái vốn là "có vấn đề". Nhưng các cổ phiếu ngân hàng trong đó có ACB hiện đang ở mức cao so với thị trường do thời gian qua tăng "nóng", và đang trong xu hướng điều chỉnh. Cùng với động thái thoái vốn của Dragon Capital, chắc chắn thị giá của ACB sẽ sụt giảm, ít nhất trong ngắn hạn", vị chuyên gia này nhận định.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục