Thế giới có thể sản xuất 16 tỷ liều vaccine Covid-19, nhưng khi nào mới đến tay các nước nghèo?

28/10/2020 13:45 GMT+7
Các loại vaccine Covid-19 tiềm năng đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng nhanh chưa từng có trong lịch sử ngành công nghiệp vaccine trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng vọt.
Thế giới có thể sản xuất 16 tỷ liều vaccine Covid-19, nhưng khi nào mới đến tay các nước nghèo? - Ảnh 1.

Vấn đề phân phối vaccine Covid-19 trên toàn cầu đang được các chuyên gia y tế đặc biệt quan tâm

Một tính toán gần đây cho thấy trong năm 2021, các dây chuyền sản xuất hiện tại có thể xuất xưởng khoảng 16 tỷ liều vaccine Covid-19. Nhưng dự báo này chưa tính đến nguy cơ thử nghiệm thất bại, vốn thường gặp trong ngành công nghiệp vaccine. Trong trường hợp như vậy, năng lực sản xuất vaccine Covid-19 toàn cầu có thể giảm đi tương đối.

Loại vaccine nào được phê duyệt và đưa vào dây chuyền sản xuất quy mô lớn sẽ tác động sâu sắc đến việc những quốc gia nào nhận được vaccine để tiêm chủng. Bởi cho đến nay, một lượng lớn vaccine Covid-19 từ các công ty nghiên cứu vaccine tiềm năng đã được các nước giàu đặt trước. Có rất nhiều yếu tố tạo ra sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận vaccine Covid-19 sớm của người dân các quốc gia khác nhau.

Sayedur Rahman, giáo sư dược học tại Đại học Y Bangabandhu Sheikh Mujib (Bangladesh) cho hay vaccine Covid-19 sẽ đến Bangladesh sớm nhất trong 24 tháng tới. Nghĩa là nhiều khả năng quốc gia 160 triệu dân này sẽ được tiếp cận vaccine sau nhiều quốc gia khác, và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ là lựa chọn duy nhất để Bangladesh đối phó với dịch bệnh lúc này. “Vaccine sẽ không được cung cấp với mức giá hợp lý, hoặc thậm chí là không được phân phối đến Bangladesh trong ít nhất 24 tháng tới. Ngay cả khi chúng ta tiếp cận được vaccine, số lượng nguồn cung cũng sẽ rất hạn chế, chỉ đủ cho tối đa 20% dân số” - ông Sayedur Rahman tuyên bố.

Trong số 16,3 tỷ liều mà các nhà nghiên cứu và phát triển vaccine có khả năng sản xuất trong năm tới, khoảng 8,6 tỷ đã được mua đứt bởi các hợp đồng cung cấp cho một số quốc gia nhất định, theo số liệu thống kê của công ty phân tích Airfinity, Anh Quốc trong tháng 10 này. Khoảng 2,5 tỷ liều trong đó được cam kết phân phối đến các nước thu nhập trung bình thấp. Còn lại đã được các quốc gia giàu đặt trước. Hồi tháng 9, báo cáo dựa trên dữ liệu được thu thập bởi công ty phân tích Airfinity liên quan đến các giao dịch của một số chính phủ với các nhà sản xuất vaccine bao gồm AstraZeneca, Gamaleya/Sputnik, Moderna, Pfizer và Sinovac cho thấy các nước giàu đã đặt trước quá nửa số vaccine Covid-19 từ 5 thương hiệu này.

Trong trường hợp quá trình phát triển một số loại vaccine tiềm năng thất bại, sẽ chỉ có tối đa 12 tỷ liều vaccine Covid-19 được sản xuất trong một năm tiếp theo. John Donnelly, người đứng đầu công ty Vaccinology Consulting (Mỹ) cũng cảnh báo về khả năng chậm trễ trong việc tăng sản lượng sản xuất các loại vaccine được phê duyệt, cạn kiệt nguyên liệu thô hay năng lực sản xuất không đảm bảo. “Chắc chắn sẽ có những trục trặc và trì hoãn. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ta không bắt kịp mục tiêu về mặt lý thuyết”. Những rủi ro như vậy đang thúc đẩy chính phủ các nước tìm cách ký kết thỏa thuận riêng với các nhà sản xuất vaccine. 

Hiện Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng hậu thuẫn một chương trình Sáng kiến mang tên COVAX để hỗ trợ các quốc gia tiếp cận vaccine Covid-19 kịp thời và công bằng. COVAX đặt mục tiêu thực hiện 10-15 giao dịch với các nhà sản xuất vaccine trong năm nay, qua đó đảm bảo nguồn cung khoảng 2 tỷ liều vaccine Covid-19 để phân phối cho 184 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia sáng kiến. Khoảng 1 nửa trong số đó là các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và thấp.


NTTD
Cùng chuyên mục