Thi hành hình sự hơn 3.600 vụ việc kinh tế, tham nhũng thu hơn 15.000 tỷ đồng

26/10/2020 14:27 GMT+7
Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, về thi hành án hình sự trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong hơn 3.600 vụ việc, số tiền thu được là hơn 15.000 tỷ đồng.
Thi hành hình sự hơn 3.600 vụ án kinh tế, tham nhũng thu hơn 15.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

Sáng nay (26/10), Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2020 tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng.

Cụ thể, năm 2020, toàn ngành thanh tra đã triển khai gần 7.000 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và hơn 200.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17% so với năm 2019); kiến nghị thu hồi trên 44.000 tỷ đồng và trên 1.400 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính gần 55.000 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra; 02 vụ việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Về thi hành án hình sự trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong hơn 3.600 vụ việc, tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền thu được là hơn hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 14,01% so với cùng kỳ năm 2019.

Đánh giá tình hình tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa tham nhũng kết hợp với việc phát hiện và xử lý nghiêm minh một số vụ án liên quan đến tham nhũng, cùng với hiệu ứng tích cực có được từ công tác vận động, tuyên truyền và các đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng, các ngành, các cấp trong hệ thống nhà nước nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) đã có tác dụng răn đe và hạn chế tham nhũng.

"Nhìn chung, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế" – Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay.

Tuy nhiên, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện; vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hiện nay.

Dự báo tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi "tham nhũng vặt" ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương. Quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng - ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc với mức độ tinh vi hơn.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát công tác PCTN, nhất là việc triển khai thi hành các quy định mới của Luật PCTN năm 2018 và các Luật mới được sửa đổi, bổ sung có liên quan chặt chẽ đối với công tác PCTN như Luật Giám định tư pháp, Luật Xây dựng; Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư...

Minh Lê
Cùng chuyên mục