Thị trường bán lẻ: Sự “lên ngôi” của doanh nghiệp nội

01/08/2019 13:08 GMT+7
Quy mô mặt bằng rộng, tích hợp mô hình bán lẻ truyền thống và hiện đại, sức mua tiêu dùng tăng cao,... đang khiến cho thị trường bán lẻ sôi động hơn bao giờ hết với sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp trong nước.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nội (Ảnh minh họa).

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2019 đạt tốc độ tăng cao với 11,6% so với cùng kỳ năm trước, sức mua tiêu dùng tăng cao, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân.

Chỉ tính riêng tháng 7, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 312,2 tỷ đồng, tăng 1,8 và tăng 13,4%. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng đạt 2.134,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,1% tổng mức và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nghiên cứu của công ty Nghiên cứu thị trường Savills, trong 2 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đang ghi nhận sự phát triển mạnh của các mô hình bán lẻ hiện đại, số lượng trung tâm thương mại liên tục gia tăng. Nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại được xây dựng phục vụ nhu cầu cho người dân về mua sắm, vui chơi giải trí thay thế các mô hình truyền thống như chợ và bách hóa.

So sánh với các thị trường trong khu vực, Hà Nội và TP. HCM hiện đang có tỷ lệ diện tích bán lẻ trên đầu người thấp, cho thấy nhiều dư địa phát triển.

Nguồn cung thị trường bán lẻ Việt Nam (Nguồn: Nghiên cứu & Tư vấn Savills Việt Nam).

Nói về sự phát triển của các mô hình bán lẻ hiện đại, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội, cho rằng thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang có nhiều thế mạnh trong việc mở rộng số lượng mặt bằng bán lẻ, quy mô của các dự án đi vào thị trường và địa bàn, bao gồm các địa phương, đô thị xung quanh các trung tâm kinh tế văn hóa của cả nước. Bên cạnh đó, các mô hình bán lẻ hiện đại hiện nay đang tích hợp nhiều điểm mạnh của mô hình truyền thống, ứng dụng các mô hình bán lẻ vào các chuỗi dự án bất động sản, nhà ở giúp tiếp cận dễ dàng tới cư dân và khách thăm quan du lịch. Ngoài ra, chính quyền địa phương chào đón và niềm tin của người tiêu dùng cũng là một lợi thế lớn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Với những lợi thế trên, thị trường bán lẻ đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt bằng các thương vụ thâu tóm đình đám giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Điển hình, thị trường bán lẻ Việt Nam  những năm gần đây chứng kiến nhiều thương vụ sáp nhập, các doanh nghiệp nội thâu tóm các chuỗi siêu thị ngoại và các doanh nghiệp nội thâu tóm lẫn nhau như: Công ty CP Thế giới di động mua lại siêu thị điện máy Trần Anh, Saigon Coop mua lại chuỗi bán lẻ Auchan, VinCommerce mua lại hệ thống Shop & Go,...

Năm 2017, Công ty Cổ phần Thế giới Di Động hoàn tất thương vụ mua lại Điện máy Trần Anh và trở thành đơn vị sở hữu chi phối hơn 90% đối với Trần Anh. Điều này giúp cho Thế giới Di động gia tăng quy mô hoạt động siêu thị, tăng khả năng mua hàng của khách hàng, dần dần thay thế Trần Anh trở thành hệ thống bán lẻ lớn với nhiều mặt hàng đa dạng và cao cấp.

Hay trong nửa đầu năm 2019, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến việc doanh nghiệp nội thâu tóm chuỗi siêu thị ngoại là Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce, đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động mang thương hiệu Shop & Go (Singapore). Đại diện công ty này cũng thừa nhận với báo chí lúc đó rằng: “Thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để khai thác nhưng chúng tôi quyết định rút lui vì cạnh tranh rất khốc liệt ngoài hình dung của chúng tôi”. Sau khi sáp nhập Shop&Go, VinCommerce đã nâng số cửa hàng tiện lợi lên khoảng 1.900 cửa hàng VinMart+ trên cả nước cùng với 108 siêu thị VinMart.

Đặc biệt, mới đây, Saigon Coop cũng bất ngờ thâu tóm chuỗi siêu thị Auchan (Pháp). Đây được cho là một bước đi nhằm củng cố vị trí dẫn đầu và gia tăng thị phần của Saigon Coop. Thương vụ này đem lại hi vọng về việc các nhà bán lẻ trong nước đã có đủ tiềm lực để dẫn dắt cuộc chơi và cạnh tranh sòng phẳng với các nhà bán lẻ ngoại như Central Group, Emart hay Aeon.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết doanh nghiệp Việt Nam được nhận định đang có nhiều lợi thế bởi am hiểu thị trường và xu hướng tiêu dùng của người Việt. Bên cạnh đó, quy định ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) vẫn đang được triển khai, được xem là một công cụ vô cùng hữu ích, là hàng rào kỹ thuật để hạn chế các đại gia bán lẻ nước ngoài nhằm hỗ trợ cho ngành bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, những cam kết hội nhập được thực thi như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ khiến các quy định như ENT phải xóa bỏ trong thời gian tới. Do đó, thời điểm này đang là thời cơ vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tận dụng cơ hội, giành lấy thị phần.

 

Thu Trà
Cùng chuyên mục