Thị trường bất động sản sẽ có nhà ở thương mại giá thấp
Bàn về phát triển thị trường BĐS trong bối cảnh bình thường mới, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: BĐS là một trong những lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm nhất, kéo theo các lĩnh vực có khác liên quan khác phát triển. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tác động đã khiến thị trường BĐS trong hơn nửa đầu năm 2020 đang bất ổn, nhiều dự án BĐS đã phải dừng, hoãn triển khai. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào BĐS đã giảm mạnh những tháng gần đây. Số doanh nghiệp BĐS thành lập mới trong 6 tháng đầu năm giảm 12% so với cùng kỳ 2019. Rất nhiều doanh nghiệp BĐS đã phải ngừng kinh doanh, tồn kho BĐS tăng lên.
Bên cạnh đó, sự chồng chéo của hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai… cũng đang là trở ngại lớn cho sự gia tăng nguồn cung BĐS. Trong khi nhu cầu về BĐS thì vẫn cao, nhất là đối với phân khúc nhà ở xã hội. Để hồi phục thị trường BĐS, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần thực hiện ngay kịp thời các gói hỗ trợ hiện có và có thể mở rộng quy mô hỗ trợ, đặc biệt là các gói hỗ trợ tín dụng trung và dài hạn dành cho các dự án BĐS quan trọng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách cơ chế, chính sách, về đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS theo hướng thông thoáng, thuận lợi hơn.
Chia sẻ quan điểm cùng ông Vũ Tiến Lộc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Văn Sinh, cho biết: Để hỗ trợ thị trường BĐS, Chính phủ đã chỉ đạo cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, bổ sung thêm 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định, từ đó huy động hơn 60.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội và cho người dân vay mua, thuê nhà ở xã hội. Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung, rút gọn Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển nhà ở xã hội theo hướng thuận lợi hơn, với cơ chế dành quỹ đất 20%, xác định lợi nhuận định mức, hoàn trả nghĩa vụ tài chính... Chính phủ cũng đã chỉ đạo tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, dự kiến sẽ có nhiều điểm mới tháo gỡ vướng mắc để thu hút các doanh nghiệp đầu tư cải tạo lại các chung cư cũ tại các thành phố lớn, vừa chỉnh trang bộ mặt đô thị, vừa đảm bảo chỗ ở an toàn cho người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, để trình Chính phủ thông qua trong quý III/2020. Nhà ở thương mại giá thấp sẽ có tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, diện tích sử dụng dưới 70 m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2, tối đa một căn hộ bán không vượt quá 1,5 tỷ đồng (bao gồm cả VAT). Nghị quyết này sẽ đưa ra nhiều nhóm cơ chế chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, về thuế, về thủ tục đầu tư xây dựng, cơ chế huy động vốn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư loại hình nhà ở này. Tới đây, người mua nhà sẽ có thêm cơ hội mua được nhà ở thương mại với giá cả phù hợp, góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân.
Song song với giải pháp về thể chế, chính sách, Chính phủ cũng đã chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính theo hướng sẽ miễn giấy phép đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo Luật Xây dựng... Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các qui định liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS tại các Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng... theo hướng thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.