Thị trường chứng khoán 24/3: Tâm lý bi quan

24/03/2020 08:30 GMT+7
Giá trị giao dịch tăng vọt cho thấy tâm lý bi quan chiếm ưu thế tuyệt đối, xu hướng giảm đang ở giai đoạn mạnh nhất của nó.

Các công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty chứng khoán Vndirect (VND) và Công ty chứng khoán Tân Việt vẫn lo ngại dịch Covid-19 khi dự báo xu hướng thị trường chứng khoán hôm nay 23/3. Dù vậy, khả năng phục hồi của thị trường đang được đánh giá cao.

TVSI: Hiệu ứng bán tháo trở lại

VN-Index đóng cửa tại 666,59 điểm, giảm 43,14 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng mạnh về số mã giảm giá. Trong khi đó thanh khoản đạt 3.139 tỷ, duy trì dưới mức bình quân 20 phiên gần nhất.

Hiệu ứng báo tháo trở lại khiến chỉ số mở cửa giảm mạnh và giữ ở vùng giá thấp trong suốt phiên giao dịch. Áp lực bán mạnh dự báo sẽ duy trì trong phiên tiếp theo, do đó vùng hỗ trợ 650 – 685 điểm nhiều khả năng khó giữ vững. Nếu kịch bản trên xảy ra, VNindex có thể sẽ lui về vùng giá 580 – 610 điểm trước khi có phản ứng hồi phục.

Thị trường chứng khoán 24/3: Tâm lý bi quan - Ảnh 1.

Giá trị giao dịch tăng vọt cho thấy tâm lý bi quan chiếm ưu thế tuyệt đối

Chúng tôi cho rằng NĐT nên tiếp tục đứng ngoài quan sát. Vùng hỗ trợ gần nhất 650 - 685 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo 580 - 610 điểm.

Nhận định Dòng cổ phiếu nổi bật:                   

Nhóm Dầu khí giảm mạnh trở lại. Duy trì xu hướng hướng giảm giá mạnh.

Nhóm Ngân hàng, Chứng khoán giảm mạnh. Tín hiệu đảo chiều chưa xuất hiện do đó diễn biến giá trong phiên tiếp theo dự báo vẫn kém khả quan.

Nhóm Dệt may tiếp tục giảm sâu trong bối cảnh nhiều thông tin tiêu cực xuất hiện.

Vndirect: Tâm lý bi quan chiếm ưu thế

VN-Index giảm mạnh ngay từ phiên mở cửa về 694 điểm do các lệnh bán lớn áp đảo ở hầu hết các cổ phiếu bluechips. Chỉ số hầu như duy trì đà giảm trong toàn bộ thời gian giao dịch trước khi đóng cửa ở 666.6 điểm, gần như thấp nhất phiên. Giá trị giao dịch HOSE hôm nay tăng vọt so với trung bình 5 phiên gần nhất và đạt 4.282 tỷ đồng cho thấy tâm lý bi quan chiếm ưu thế tuyệt đối, xu hướng giảm đang ở giai đoạn mạnh nhất của nó.

Cổ phiếu ngân hàng đóng góp lớn vào giá trị giao dịch toàn thị trường, nói cách khác nhóm này là tâm điểm bán tháo: ACB -9.8%, MBB -6.88%, CTG -6.82%, STB -6.94%, VCB -6.39% và BID -6.95%. Lĩnh vực hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu, dịch vụ tiêu dùng, công nghệ và dầu khí đều không đứng ngoài làn sóng bán tháo với giá trị nhỏ hơn: VNM -7%, PNJ -6.91%, HPG -6.99%, MWG -6.99%, FPT -6.92% và PVS -9.82%. Lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và bảo hiểm cũng giảm mạnh tương tự. Rất ít cổ phiếu đi ngược thị trường nếu không có bàn tay hỗ trợ của nhà đầu tư lớn như MSN -0%, NVL +1.96%.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng 383 tỷ đồng trên HOSE. Các cổ phiếu bluechips tiếp tục là đối tượng bán ròng lớn, bao gồm MSN, HPG, VNM, VJC, VCB và NVL. PHR và VIC được mua ròng quy mô nhỏ. Phiên giao dịch sau kỳ điều chỉnh danh mục ghi nhận quy mô bán ròng giảm so với đỉnh điểm tuần trước nhưng vẫn áp đảo so với lực mua. Làn sóng rút vốn khỏi các ETFs đầu tư cổ phiếu bắt đầu chậm lại trên phạm vi toàn cầu, ETFs đầu tư cổ phiếu ở Mỹ thậm chí thu hút tiền trở lại trong tuần vừa qua.

Đà bán tháo của nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy nhà đầu tư trong nước vào vòng xoáy cắt lỗ. VN-Index đã liên tiếp có 2-3 khoảng trống giá trong suốt quá trình giảm cho thấy đà giảm đã đi quá xa và quá mức. Thị trường dễ dao động mạnh nếu tiếp tục tạo một khoảng trống như vậy trong 1-2 phiên tới. Dù thế nào, kinh nghiệm cho thấy không bao giờ được đánh giá thấp khả năng tiếp diễn của xu hướng giảm kể cả bên dưới là điểm tựa mạnh.

BVSC: Kỳ vọng sớm phục hồi ngắn hạn

Sau khi phá vỡ vùng hỗ trợ 700-740 điểm, chỉ số có khả năng sẽ tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ mạnh 580-640 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Điểm hỗ trợ là việc nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường đã duy trì trạng thái quá bán khá lâu nên có thể kỳ vọng thị trường sớm có cơ hội hồi phục kỹ thuật ngắn hạn. Dù vậy, điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19, áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại và biến động tiêu cực của thị trường thế giới.

Chiến lược đầu tư:

- Duy trì trọng danh mục ở mức thấp 10-15% cổ phiếu chỉ ưu tiên nắm giữ các mã với tầm nhìn trung dài hạn.

- Nhà đầu tư cầm tiền mặt đứng ngoài thị trường, hoặc có thể xem xét tham gia giải ngân mang tính dò đáy với tỷ trọng thấp trong các phiên sụt giảm mạnh của thị trường nhưng chỉ dành cho các nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt và có mức độ chịu đựng rủi ro cao.

Tiểu My
Cùng chuyên mục