Thị trường chứng khoán 29/7: Lo Covid-19, nhà đầu tư lại bán tháo

29/07/2020 10:56 GMT+7
Thị trường chứng khoán 29/7 một lần nữa chứng kiến đà bán tháo của nhà đầu tư khi nỗi lo sợ dịch Covid-19 quay trở lại.

Thị trường chứng khoán 29/7 một lần nữa gây "chia rẽ" trong nhóm các nhà đầu tư chứng khoán. Sau phiên bắt đáy ngoạn mục hôm qua, có người kỳ vọng sắc xanh trở lại với VN-Index. Nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm vì "thoát hàng" thành công và đang "nín thở" chờ đà lao dốc mới của VN-Index.

Sau giờ đóng cửa phiên 28/7, nhà đầu tư tranh cãi gay gắt về xu hướng của thị trường chứng khoán 29/7. Tuy nhiên, ngay từ đầu phiên hôm nay, thị trường đã xôn xao về ca nghi mắc Covid-19 ở Hà Nội. Thông tin này khiến nhà đầu tư tìm được bán tháo cổ phiếu dù đã mua trần hôm qua.

Thị trường chứng khoán 29/7: Lo Covid-19, nhà đầu tư lại bán tháo - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán 29/7 một lần nữa chứng kiến đà bán tháo của nhà đầu tư khi nỗi lo sợ dịch Covid-19 quay trở lại.

Đầu phiên, VN-Index "chỉ" giảm 12,97 điểm, tương đương 1,59% xuống 800,39 điểm. Mốc 800 điểm vẫn được bảo toàn. Tuy nhiên, đến khoảng 10h, đà bán tháo trở nên mạnh mẽ hơn khi thông tin về ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội lan rộng hơn. Kết quả là có thời điểm VN-Index "bốc hơi" hơn 30 điểm.

Tuy nhiên, sau đó, thị trường chứng khoán 29/7 chứng kiến nhà đầu tư trấn tĩnh hơn một chút. Đà lao dốc được hạn chế. Vào lúc gần 11h, VN-Index "chỉ" còn giảm 26,84 điểm, tương đương 3,3% xuống 786,52 điểm. Mốc 800 điểm dễ dàng bị xuyên thủng.

VN30-Index giảm 27,01 điểm, tương đương 3,57% xuống 729,16 điểm. Thanh khoản đang đứng ở mức thấp khi nhà đầu tư dè dặt bắt đáy. Toàn sàn TP.HCM ghi nhận 186 triệu cổ phiếu, tương đương 2.722 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công. Trong đó, 1.153 tỷ đồng tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Cho đến thời điểm hiện tại, đã có blue-chips trải qua cảm giác giảm sàn. CTD giảm 4.900 đồng/CP xuống 66.100 đồng/CP. PNJ giảm 3.700 đồng/CP xuống 50.300 đồng/CP. ROS giảm 160 đồng/CP xuống 2.220 đồng/CP. Tuy nhiên, CTD và PNJ đã lấy lại được sắc đỏ.

Đầu phiên, có 3 blue-chips may mắn có thời điểm lấy lại được sắc xanh. EIB tăng 100 đồng/CP lên 16.600 đồng/CP. NVL tăng 400 đồng/CP lên 63.700 đồng/CP. SAB tăng 2.900 đồng/CP lên 182.900 đồng/CP. Thế nhưng, hiện tại, chỉ NVL đang nỗ lực tìm về sắc xanh.

Hôm qua cổ phiếu chứng khoán "nóng giãy", góp phần không nhỏ vào đà hồi phục của VN-Index. Nhưng thị trường chứng khoán 29/7 ghi nhận cổ phiếu vua một thời lao đao. SSI giảm sâu, giảm 850 đồng/CP xuống 13.350 đồng/CP, chỉ cao hơn giá sàn 100 đồng/CP. HCM giảm 1.050 đồng/CP xuống 16.100 đồng/CP.

Thị trường chứng khoán lao dốc nhưng vẫn có 6 mã vượt bão tăng trần. Đáng chú ý nhất là tân binh APH của Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings. Bất chấp Covid-19, APH có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp, tăng 3.400 đồng/CP lên 53.200 đồng/CP. 

Thị trường chứng khoán 29/7 ghi nhận đà lao dốc sâu hơn trên sàn Hà Nội. HNX-Index giảm 4,6 điểm, tương đương 4,26% xuông 103,37 điểm. Thanh khoản đứng ở mức rất thấp, chỉ có 29 triệu cổ phiếu, tương đương 256 tỷ đồng được giao dịch thành công. HNX30-Index giảm 10,07 điểm, tương đương 5,01% xuống 190,77 điểm. UpCOM-Index giảm 1,4 điểm, tương đương 2,53% xuống 53,88 điểm.

Blue-chips trên sàn Hà Nội chịu áp lực bán ra mạnh nhất. Nhưng giữa "bão Covid-19", NRC của Công ty Cổ phần Bất động sản Netland là blue-chips duy nhất ngược dòng thành công. NRC tăng trần, tăng 1.100 đồng/CP lên 12.900 đồng/CP. Trong khi đó, có tới 3 blue-chips giảm sàn. TVC giảm 800 đồng/CP xuống  7.400 đồng/CP. KLF giảm 100 đồng/CP xuống 1.500 đồng/CP. HUT giảm 200 đồng/CP xuống 1.800 đồng/CP.

Và đà giảm này, thị trường chứng khoán Việt Nam đang là "tâm điểm" của châu Á khi gánh chịu mất mát vượt trội. Lúc này, thị trường châu Á phân hóa, trong khi Shanghai, Hangseng và Kospi tăng nhẹ, NIKKEI và ASX 200 giảm rất nhẹ. 

Đây không phải lần đầu tiên nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu. Trước đó, khi bệnh nhân 17 xuất hiện, VN-Index đã giảm hơn 50 điểm nhưng thị trường sớm ổn định trở lại, tăng mạnh và mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ cho nhà đầu tư.

Tiểu My
Cùng chuyên mục