Thị trường giao dịch lúa gạo yếu, các doanh nghiệp thu mua chậm, vì sao?

13/04/2022 17:55 GMT+7
Doanh nghiệp cho biết nguồn cung lúa gạo đang tăng lên, nhưng hoạt động xuất khẩu trầm lắng do chi phí vận chuyển rất cao.

Sau kỳ nghỉ lễ giao dịch lúa tiếp tục chậm, giá lúa các loại ít biến động. Trong khi đó, giá cám giảm liên tục đi ngang từ tuần trước đến nay, giao dịch yếu, các doanh nghiệp thu mua chậm.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định. Cụ thể, gạo 100% tấm 355 USD/tấn; gạo 5% tấm và 25% tấm giữ vững ở mức 415 USD/tấn và 395 USD/tấn; gạo Jasmine ổn định ở mức 513 – 517 USD/tấn.

Trong quý I/2022, xuất khẩu gạo đi Trung Quốc giảm 30%, trong khi các thị trường khác có mức tăng đáng kể. Dự báo, trong tháng 4 và 5/2022, nhập khẩu gạo của Trung Quốc, EU, Indonesia và Philippines tăng so với trước đó. Đây là cơ hội để gạo Việt mở rộng xuất khẩu.

Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết: Chỉ số giá lương thực toàn cầu tháng 3 là 159,3 điểm, tăng so với 141,4 điểm của tháng 2, tương đương mức tăng 12,6%. Đây là mức tăng kỷ lục của chỉ số này khi bắt đầu được đo đếm từ năm 1990. Những mặt hàng tăng mạnh như: Dầu ăn, ngũ cốc và thịt tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, còn giá nông sản cao hơn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính được cho là do tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine.

Giá lương thực toàn cầu tăng cao đã tác động lan tỏa đến mặt hàng lúa gạo. Số liệu thống kê của Bộ Công Thương, xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay đạt 1,48 triệu tấn, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn duy trì ở vị trí dẫn đầu trong số các nước xuất khẩu gạo. Ngoại trừ khoảng 2 tuần giữa tháng 3, giá gạo xuất khẩu Thái Lan tăng mạnh, sau đó quay đầu giảm còn dưới mức 410 USD/tấn gạo 5% tấm thì gạo Việt Nam luôn duy trì mức giá cao nhất thị trường gạo thế giới với mức 415 - 420 USD/tấn (gạo Thái Lan cùng phẩm cấp 410 - 408 USD/tấn).

Thị trường giao dịch lúa gạo yếu, các doanh nghiệp thu mua chậm, vì sao? - Ảnh 1.

Thị trường giao dịch yếu, các doanh nghiệp thu mua chậm.

Trong tuần cuối tháng 3, giá lúa gạo Việt Nam quay đầu giảm nhẹ nhưng qua tuần đầu tháng 4 đã tăng trở lại với gạo 5% tấm xuất khẩu đạt 415 USD/tấn, cao hơn khoảng 12 - 15 USD/tấn so với đầu năm và khoảng 10 USD/tấn so với đầu tháng 3. Giá lúa gạo nội địa vẫn ổn định ở mức cao. Cụ thể, hôm nay (ngày 13/4), lúa IR 504 đang được thương lái mua tại ruộng với mức giá 5.500 – 5.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Trong khi đó lúa OM 5451 lại giảm 100 đồng/kg xuống còn 5.500 – 5.700 đồng/kg.

Với các mặt hàng lúa còn lại, giá đi ngang. Cụ thể, nếp An Giang (tươi) 5.500 – 5.8000 đồng/kg; nếp tươi Long An 5.300 – 5.500 đồng/kg; OM 18 5.800 – 6.000 đồng/kg; Đài thơm 8 5.800 – 5.900 đồng/kg; lúa Nhật 8.100 – 8.500 đồng/kg; lúa OM 380 5.500 – 5.600 đồng/kg; IR 50404 (khô) 6.000 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 11.500 - 12.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 5.900 – 6.000 đồng/kg.

Trong tuần qua, giá lúa các loại đều điều chỉnh giảm nhẹ từ 30 – 100 đồng/kg. Lúa thường tại Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ đang được nông dân bán cho thương lái với mức 5.400 – 5.625 – 5.650 đồng/kg, giảm lần lượt 100 đồng/kg, 50 đồng/kg và 25 đồng/kg so với tuần trước đó.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm duy trì ổn định. Cụ thể, giá gạo NL IR504 7.950 – 8.050 đồng/kg; gạo TP IR 504 8.600 đồng/kg. Giá các mặt hàng phụ phẩm chững lại. Hiện phụ phẩm tấm IR 504 dao động từ 7.800 – 7.900 đồng/kg; cám khô 7.850 – 7.900 đồng/kg. Giao dịch phụ phẩm chững lại, chất lượng cám giảm, giá cám đi ngang.

Theo các doanh nghiệp, thông thường trước đây, các nước như Trung Quốc, Philippines sẽ ký các hợp đồng lớn vào giữa vụ đông xuân khi sản lượng lúa gạo của Việt Nam cao, giá giảm. Nhưng năm nay giá không giảm như thường lệ nên các nhà nhập khẩu còn ngần ngại chưa dám ký các hợp đồng lớn. Tuy nhiên, mùa mưa bão sắp tới sẽ là áp lực lớn về an ninh lương thực với nhiều nhà nhập khẩu gạo châu Á. Khả năng cao họ sẽ phải chấp nhận mua gạo giá cao trong tháng 4 hoặc chậm lắm là tháng 5 tới. Lúc đó thị trường sẽ sôi động và giá lúa gạo sẽ tiếp tục duy trì mức cao.

Tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm vì nguồn cung tăng sau khi chính phủ mở rộng kế hoạch hỗ trợ gạo, trong khi giá gạo ở Việt Nam và Thái Lan hầu như không đổi trong bối cảnh nhu cầu giảm và sản lượng tăng. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ báo đạt 365 - 369 USD/tấn vào tuần trước, giảm từ mức 367 - 370 USD/tấn của tuần cuối cùng của tháng 3. Trong khi đó giá gạo 5% tấm của Thái Lan ghi nhận ở 408 - 412 USD/tấn trong tuần trước, không thay đổi nhiều so với mức 408 - 410 USD/tấn của tuần tính đến ngày 31/3.

Theo các doanh nghiệp, nguồn cung lúa gạo đang tăng lên, nhưng hoạt động xuất khẩu trầm lắng do chi phí vận chuyển rất cao. Nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong vụ đông xuân, vụ thu hoạch lớn nhất trong năm.

Dự báo ngoài các thị trường truyền thống như Philippines (chiếm tỉ trọng lớn nhất) Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, các nước châu Phi, Hàn Quốc... thì xuất khẩu gạo sang châu Âu (EU) dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 bởi hỗ trợ của Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). 

Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch đạt gần 3,3 tỷ USD. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn bảo đảm đạt từ 6 - 6,2 triệu tấn, tương đương năm 2020 và 2021. 

Dù lượng không có sự đột phá, song giá trị xuất khẩu gạo đang ngày một tăng cao và dần khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Việt Nam định hướng tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững. Ngành lúa gạo cũng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục