Việt Nam xuất khẩu gần 1,5 triệu tấn gạo trong quý I/2022, thị trường vẫn nhiều lo lắng

03/04/2022 07:42 GMT+7
Xuất khẩu gạo Việt Nam trong quý I/2022 ước tính tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021 lên 1.475 triệu tấn, nâng doanh thu tăng khoảng 10,5% lên 715 triệu USD.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gạo Việt Nam trong quý I/2022 ước tính tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021 lên 1.475 triệu tấn, nâng doanh thu tăng khoảng 10,5% lên 715 triệu USD.

Thời gian qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng nhích lên, nhưng theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo mức tăng giá này vẫn còn thấp hơn so với cuối năm 2021.

Giá tăng nhưng các đơn hàng xuất khẩu lớn trong tương lai lại chưa có nhiều, trong khi chi phí vận chuyển đang tăng cao.

Lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay chủ yếu đáp ứng hợp đồng đã ký với Philippines. Còn những hợp đồng mới với thị trường này chưa có.

Dự kiến đến tháng 4 các hợp đồng xuất khẩu gạo với Philippines mới hoàn thành. Nhìn trong ngắn hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, các hợp đồng xuất khẩu lớn chưa có nhiều khả quan. Thị trường Trung Quốc vẫn chưa đẩy mạnh mua nhiều như dự báo. Trung Quốc dự tính nhập 4,6 triệu tấn trong năm 2022.

Giá lương thực thế giới tăng mạnh nhưng giá gạo lên rất chậm, hợp đồng ít. Một số thị trường truyền thống lớn như Philippines, Trung Quốc… cũng chưa có nhiều tín hiệu tích cực. Các doanh nghiệp có hợp đồng gạo xuất khẩu chưa nhiều.

Căng thẳng Nga-Ukraine khiến giá nhiều loại lương thực trên thế giới tăng. Nhiều thương nhân nhận định, giá gạo cũng có sẽ điều chỉnh giá tốt lên. Hơn nữa, nhiều địa phương đang vào cuối vụ Đông Xuân nên các doanh nghiệp vẫn phải đẩy mạnh tiêu thụ lúa cho nông dân dù xuất khẩu chưa có nhiều khả quan.

Tình hình hiện tại có thể dự báo xuất khẩu gạo thời gian tới tốt hơn, nhưng với sự biến động mạnh của tình hình địa chính trị trên thế giới, doanh nghiệp cũng rất khó đoán định được chắc chắn điều này.

Việt Nam xuất khẩu gần 1,5 triệu tấn gạo trong quý 1/2022, nhiều lo lắng cho quý 2 - Ảnh 1.

Việt Nam xuất khẩu gần 1,5 triệu tấn gạo trong quý 1/2022, nhiều lo lắng cho quý 2.

Trên thị trường, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ trong tuần này được giao dịch ở mức 367-370 USD/tấn, không đổi so với tuần trước.

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh (Ấn Độ), cho biết vì chính phủ đã kéo dài thời gian trợ cấp phân phối ngũ cốc thêm 6 tháng, nguồn cung ứng trong nước sẽ tăng và giá cả sẽ tiếp tục chịu sức ép.

Giá gạo Thái 5% tấm cũng giảm xuống mức 408-410 USD/tấn trong tuần này, so với mức 408-412 USD/tấn trong tuần trước.

Các thương nhân cho biết nhu cầu gạo Thái Lan ở nước ngoài đã bị giảm do không đủ tàu và giá cước vận chuyển cao.

Tuy nhiên, một nhà kinh doanh gạo tại Bangkok cho biết giá vẫn cao do nhu cầu trong nước đối với gạo tấm dùng làm thức ăn chăn nuôi và do vấn đề logistics.

Tình hình nguồn cung gạo của Thái Lan vẫn không đổi dù có thêm sản lượng từ vụ thu hoạch mới trong tuần này.

Tại Bangladesh, giá gạo trong nước của quốc gia này đã tăng trong tuần này, mặc dù mùa vụ và dự trữ tốt, trong bối cảnh lạm phát trong tháng 2/2022 đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2020.

Trong khi đó, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam cuối tuần này tăng 2 USD/tấn với gạo 5% tấm. Theo đó, gạo 5% tấm 415 USD/tấn, tăng 2 USD/tấn; gạo 25% tấm 395 USD/tấn, tăng 2 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo Jasmine ổn định ở mức 513 – 517 USD/tấn; gạo 100% tấm 338 USD/tấn.

Doanh nghiệp gạo đầu mối cho biết, nguồn cung gạo trong nước đang tăng nhờ sản lượng thu hoạch từ vụ Đông-Xuân, thêm vào đó chất lượng vụ mùa này đã bị ảnh hưởng do mưa kéo dài khi thu hoạch.

Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 72.000 tấn gạo dự kiến được bốc dỡ tại cảng thành phố Hồ Chí Minh trong tuần đầu tiên của tháng 4/2022, trong đó, hầu hết số gạo này sẽ được vận chuyển đến Philippines và châu Phi.

Cuối tuần này, giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định. Chất lượng gạo giảm, thị trường giao dịch chậm.

Tại An Giang, giá lúa tiếp tục duy trì ổn định. Cụ thể, nếp vỏ An Giang tươi 5.600 – 5.800 đồng/kg; nếp Long An tươi 5.400 – 5.500 đồng/kg; lúa OM 18 6.000 – 6.200 đồng/kg; lúa Nhật 8.100 – 8.500 đồng/kg; lúa IR 504 5.600 – 5.700 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa OM5451 5.700 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 380 5.500 – 5.600 đồng/kg; IR 50404 (khô) 6.000 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 11.500 - 12.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 5.900 – 6.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ… giá lúa thường đang được thương lái mua tại ruộng với mức giá dao động từ 5.500 – 5.750 đồng/kg, lúa khô dao động từ 6.400 – 7.100 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm duy trì ổn định. Theo đó, giá gạo NL IR504 8.000 đồng/kg; gạo TP IR 504 8.800 đồng/kg; tấm IR 504 8.400 đồng/kg; cám khô 8.400 – 8.450 đồng/kg.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục