Thị trường giao dịch gạo tiếp tục trầm lắng đến bao giờ?

07/04/2022 15:25 GMT+7
Nhiều doanh nghiệp dự báo, giá xuất khẩu gạo khó tăng đột biến trong thời gian ngắn tới do nhiều quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới cũng đang vào vụ thu hoạch lúa, cung lúa gạo cao hơn cầu...

Giá nhiều mặt hàng lúa gạo giảm do nguồn cung nhiều

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay duy trì ổn định. Theo đó, gạo 5% tấm có giá 415 USD/tấn; gạo 25% tấm 395 USD/tấn; gạo Jasmine ổn định ở mức 513 – 517 USD/tấn. Riêng giá gạo 100% tấm bất ngờ được điều chỉnh tăng 7 USD/tấn lên mức 345 USD/tấn.

Trong tuần đầu tháng 4/2022, giao hàng gạo Việt Nam chủ yếu được chuyển tới các thị trường Philippines và châu Phi.

Gạo 5% tấm của Việt Nam ít biến động về giá từ cuối tháng 3 đến nay, loại gạo này đã được chào bán ở mức từ 400-415 USD/tấn trong phiên 31/3, giảm so với mức 415-420 USD/tấn trong tuần trước đó.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ hiện tại được giao dịch thấp hơn gạo Việt Nam, ở mức từ 367-370 USD/tấn trong tuần này, không đổi so với tuần trước.

Giá gạo Thái 5% tấm giảm xuống mức từ 408-410 USD/tấn trong tuần này, so với mức 408-412 USD/tấn trong tuần trước.

Thị trường giao dịch gạo tiếp tục trầm lắng đến bao giờ? - Ảnh 1.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay duy trì ổn định.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3/2022 của cả nước ước đạt 500 nghìn tấn với giá trị đạt 246 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2022 đạt 1,48 triệu tấn và 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng cục Thống kê cho biết: Diện tích gieo trồng vụ đông xuân ở ĐBSCL đã đạt trên 1,5 triệu ha, tương đương 99,2% cùng kỳ năm trước. Hiện nông dân đang vào cuối vụ thu hoạch với năng suất ước đạt 71,8 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng ước tính đạt 10,8 triệu tấn, giảm 165.000 tấn.

Giá lúa gạo hôm nay (7/4) tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có sự điều chỉnh trái chiều giữa các mặt hàng. Thị trường giao dịch tiếp tục trầm lắng.

Tại An Giang, giá lúa hôm nay có sự điều chỉnh trái chiều ở nhiều mặt hàng lúa như nếp Long An (tươi), nếp An Giang (tươi), OM 5451 và OM 18. 

Theo đó, nếp An Giang (tươi) đang được người dân bán cho thương lái với mức giá dao động từ 5.500 – 5.850 đồng, giảm 50 đồng/kg; giá lúa nếp tươi Long An giảm 300 đồng/kg xuống còn 5.300 – 5.500 đồng/kg; OM 18 giảm 200 đồng/kg xuống còn 5.800 – 6.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá lúa OM 5451 được điều chỉnh tăng 100 đồng/kg lên mức 5.600 – 5.800 đồng/kg.

Với các mặt hàng còn lại, giá đi ngang. Cụ thể, Đài thơm 8 5.800 – 5.900 đồng/kg; lúa Nhật 8.100 – 8.500 đồng/kg; lúa OM 380 5.500 – 5.600 đồng/kg; IR 50404 (khô) 6.000 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 11.500 - 12.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 5.900 – 6.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm duy trì ổn định. Theo đó, giá gạo NL IR504 8.000 đồng/kg; gạo TP IR 504 8.800 đồng/kg. Giá phụ phẩm ổn định, tấm IR 504 8.300 – 8.350 đồng/kg; cám khô 8.400 đồng/kg. Giao dịch phụ phẩm sôi động hơn.

Theo các thương lái, hôm nay lượng gạo nguyên liệu về ổn định, các kho mua đều. Giá nhiều mặt hàng lúa giảm do nguồn cung nhiều. Thị trường giao dịch chậm do thương lái ít mua mới. Phụ phẩm nguồn nhiều song khách mua giảm.

Thị trường gạo vẫn chưa có những đơn hàng lớn

Trong tháng 3 giá lúa gạo trong nước liên tục tăng vì tác động của chi phí đầu vào như xăng dầu tăng cao làm tăng phí vận chuyển, phân bón; bên cạnh đó là tăng theo sự tăng giá lương thực chung của thế giới, trong đó có tác động của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine… 

Tuy nhiên, thị trường chưa có những đơn hàng lớn vì các đối tác vẫn có tâm lý chờ đợi thêm thời gian để giá cả ổn định trở lại. Mặt khác các khách hàng truyền thống lớn như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia… cũng trúng mùa nên chưa vội ký hợp đồng mới. Theo thông thường nhiều năm thời điểm tháng 4 - 5 thị trường sôi động trở lại, khách hàng nhập khẩu sẽ bắt đầu ký các hợp đồng mới. Điều này mới có thể giúp giá lúa gạo nội địa tăng trở lại.

Thị trường giao dịch gạo tiếp tục trầm lắng đến bao giờ? - Ảnh 2.

Thị trường chưa có những đơn hàng lớn vì các đối tác vẫn có tâm lý chờ đợi thêm thời gian để giá cả ổn định trở lại.

Bộ Công Thương dự báo trong thời gian ngắn vài tuần tới, việc xuất khẩu gạo sẽ nhộn nhịp hơn do nhu cầu lương thực của thế giới cao. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu cũng được dự báo sẽ tăng trở lại, và ở mức tốt hơn khi các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua vào.

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính sản lượng lúa năm 2021 của Trung Quốc đạt 212,843 triệu tấn, tăng khoảng 0,5% so với ước tính 211,857 triệu tấn của năm 2020. Lúa vụ mùa năm 2021 đã kết thúc vào tháng 11 năm ngoái. Việc gieo trồng cho lúa đôi vụ sớm 2022 cũng đã bắt đầu vào đầu tháng 3, và lúa vụ sớm và lúa đôi vụ muộn sẽ bắt đầu lần lượt vào khoảng đầu tháng 4 và đầu tháng 6. Giá gạo Indica và Japonica của Trung Quốc nhìn chung ổn định trong suốt năm 2021, điều này phản ánh thị trường vẫn tốt kể từ vụ thu hoạch năm 2021. FAO dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu 4,5 triệu tấn gạo vào năm 2022, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Còn Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã điều chỉnh tăng dự báo về nhập khẩu gạo của Philippines năm 2022 lên 2,9 triệu tấn, cao hơn so với dự báo trước đó là 2,5 triệu tấn. USDA cho biết lý do điều chỉnh tăng là bởi “tốc độ nhập khẩu tiếp tục mạnh mẽ từ Việt Nam”. Tương tự, USDA cũng điều chỉnh tăng dự báo về sản lượng gạo (quy xay) của Philippines lên 12,4 triệu tấn so với dự báo trước đó là 12,3 triệu tấn. Dự báo về tiêu thụ cũng được nâng lên 14,95 triệu tấn, từ mức 14,85 triệu tấn dự báo trước đây. Trong bối cảnh nhập khẩu gạo vào Philippnes đang gia tăng, Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) đã cảnh báo về khả năng giảm giá gạo trong vụ thu hoạch mùa khô tới, với lý do nhập khẩu gạo năm 2021 đã đạt 2,98 triệu tấn.

USDA dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2022 đạt 49,5 triệu tấn (xay xát), tăng gần 0,7 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng giảm 2% so với mức kỷ lục của năm trước. Phần lớn sự suy giảm trong thương mại toàn cầu so với năm trước là do Bangladesh và Việt Nam giảm nhập khẩu gạo Ấn Độ.

Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch đạt gần 3,3 tỷ USD. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn bảo đảm đạt từ 6 - 6,2 triệu tấn, tương đương năm 2020 và 2021. Dù lượng không có sự đột phá, song giá trị xuất khẩu gạo đang ngày một tăng cao và dần khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu 50.000 ha lúa tại An Giang và Kiên Giang đạt quy chuẩn xuất khẩu, được cấp mã số vùng trồng và gắn với doanh nghiệp tiêu thụ.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục