Thị trường hạt tiêu đang gặp sức ép, dự báo "nóng" về giá

04/11/2022 15:13 GMT+7
Trong ngắn hạn, thị trường hạt tiêu trong nước tiếp tục đối mặt với khó khăn, khi dòng tiền dịch chuyển dần sang cà phê. Vụ thu hoạch cà phê năm nay đã bắt đầu. Đã có một vài ghi nhận về tình hình được mùa, được giá ở các địa phương. Tuy nhiên, trong trung hạn thị trường tiêu có thể sẽ khởi sắc hơn.

Giá tiêu hôm nay 4/11: Cao nhất 59.000 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay 4/11 chững lại và đi ngang tại các vùng trồng trọng điểm. Cụ thể, tại Gia Lai giá tiêu hôm nay được thương lái thu mua ở mức 56.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay duy trì ở mức 57.000 đồng/kg.

Tương tự, tại khu vực Đông Nam bộ, giá tiêu không có biến động. Tại Đồng Nai, Bình Phước giá tiêu ở mức 58.000 đồng/kg. Tại Vũng Tàu, giá tiêu mới nhất hôm nay dao động quanh mốc 59.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, Cộng đồng Hồ tiêu thế giới niêm yết mức giá giảm với giá tiêu Indonesia và Brazil. Cụ thể, tiêu đen Lampung giảm 2 USD/tấn xuống còn 3.651 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok của Indonesia ở mức 5.910 USD/tấn, giảm 2 USD/tấn.

Trong khi đó, giá tiêu duy trì ổn định tại các quốc gia còn lại. Cụ thể, tiêu đen Brazil ASTA 570: ở mức 2.600 USD/tấn, không đổi. Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA: ở mức 5.100 USD/tấn, không đổi. Tiêu trắng Malaysia ASTA: ở mức 7.300 USD/tấn, không đổi.

Thị trường hạt tiêu đang gặp sức ép, dự báo "nóng" về giá - Ảnh 1.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan.

Thị trường hạt tiêu đang gặp sức ép, dự báo "nóng" về giá - Ảnh 2.

Giá tiêu hôm nay 4/11 duy trì ổn định tại các vùng trồng trọng điểm. Hiện giá tiêu trong nước dao động trong khoảng 56.000 – 59.000 đồng/kg.

Như vậy sau nhiều tuần điều chỉnh giảm mạnh, giá tiêu trong nước chững lại và đi ngang tại các địa phương so với cùng thời điểm hôm qua. Thị trường trong nước đang có chuỗi ngày ổn định sau thời gian giảm liên tiếp trước đó. Xuất khẩu tháng 10/2022 cho thấy sự gia tăng nhưng chưa được như kỳ vọng, khi thị trường Trung Quốc vẫn siết chặt vì dịch Covid-19 tái bùng phát tại quốc gia này. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 10/2022 ước đạt 15 nghìn tấn, giá trị 58 triệu USD. Lũy kế 10 tháng năm 2022, khối lượng hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu đạt 190 nghìn tấn, giá trị kim ngạch đạt 829 triệu USD, giảm 17,4% về khối lượng nhưng tăng 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2022 ước đạt 4.372 USD/tấn, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Quý III/2022, thị trường hạt tiêu toàn cầu đối mặt với khó khăn do nhu cầu thấp, giá giảm. Xu hướng giảm kéo dài sang tháng 10/2022 do lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ chậm lại, nguồn cung dồi dào.

Tại Brazil, ngày 28/10/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 175 USD/tấn so với ngày 30/9/2022, xuống còn 2.475 USD/tấn. Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 28/10/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu giảm lần lượt 200 USD/tấn và 300 USD/tấn so với ngày 30/9/2022, xuống còn 2.950 USD/tấn và 3.050 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm mạnh 600 USD/tấn so với ngày 30/9/2021, xuống mức 4.550 USD/tấn.

Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 28/10/2022, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm lần lượt 800 USD/tấn và 300 USD/tấn so với ngày 30/9/2021, xuống mức 5.100 USD/tấn và 7.300 USD/tấn. Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 28/10/2022, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm lần lượt 146 USD/tấn và 261 USD/tấn so với ngày 30/9/2022, xuống còn 3.677 USD/ tấn và 5.952 USD/tấn. 

Dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ biến động theo xu hướng giảm trong thời gian tới. Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch rộ, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu ở mức thấp. Mặc dù vậy, thị trường vẫn xuất hiện tín hiệu lạc quan khi Trung Quốc tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cuối năm.

Áp lực nguồn cung, người trồng còn đẩy mạnh bán tiêu ra

Áp lực nguồn cung tăng lên vào đầu vụ mới và nguồn dự trữ khá dồi dào đang gây sức ép lên thị trường hạt tiêu trong nước. Tỷ giá USD/VND tăng mạnh khiến người trồng đẩy mạnh bán ra. Quý III/2022, giá hạt tiêu đen trong nước biến động theo xu hướng giảm. Sang tháng 10/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm nay. Ngày 28/10/2022, giá hạt tiêu đen giảm từ 6.500 – 7.000 đồng/kg so với ngày 29/9/2022, xuống mức 56.500 – 59.000 đồng/kg.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong quý III/2022 đạt 51,57 nghìn tấn, trị giá 213 triệu USD, giảm 27% về lượng và giảm 31,8% về trị giá so với quý II/2022, so với quý III/2021 giảm 12,5% về lượng và giảm 4,2% về trị giá. Tính chung 9 tháng năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 174,53 nghìn tấn, trị giá 770,44 triệu USD, giảm 18% về lượng, nhưng tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Thị trường hạt tiêu đang gặp sức ép, dự báo "nóng" về giá - Ảnh 3.

Giá hạt tiêu sẽ biến động theo xu hướng giảm khi mà suy thoái kinh tế thế giới được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2023.

Dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ đối mặt với khó khăn trong thời gian tới. Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu lắng xuống, lạm phát tăng cao dẫn tới việc thắt chặt chi tiêu của người dân ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng không thực sự thiết yếu giảm. Giá hạt tiêu sẽ biến động theo xu hướng giảm khi mà suy thoái kinh tế thế giới được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2023. Quý III/2022 so với quý II/2022, trị giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang hầu hết các khu vực giảm, ngoại trừ châu Đại Dương. So với quý III/2021, trị giá xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các khu vực giảm, ngoại trừ khu vực châu Mỹ và châu Đại Dương. Tính chung 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang các khu vực châu Mỹ và châu Phi tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường hạt tiêu đang gặp sức ép, dự báo "nóng" về giá - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan.

Thị trường hạt tiêu đang gặp sức ép, dự báo "nóng" về giá - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan.

Quý III/2022 so với quý II/2022, trị giá hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, gồm: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ấn Độ, Đức, Hà Lan; Ngược lại, trị giá xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Ai Len, Trung Quốc tăng. So với quý III/2021, trị giá xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Hoa Kỳ, Ai Len, Anh, Thái Lan, Nga tăng; trong khi xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ấn Độ, Đức giảm. Tính chung 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ Trung Quốc.

Quý III/2022 so với quý II/2022, trị giá xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm mạnh, trong khi xuất khẩu hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng nhẹ. So với quý III/2021, trị giá xuất khẩu hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng mạnh, trong khi xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm. Tính chung 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ hạt tiêu đen.

Thực tế cho thấy, tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn. Các dự báo đều chỉ ra, nhu cầu tiêu sẽ giảm mạnh vào quý đầu tiên của năm 2023 với mùa Đông đặc biệt khó khăn ở khu vực châu Âu, do cuộc khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra. Thời điểm này trùng với hàng vụ mới của Việt Nam ra thị trường, do đó báo hiệu bức tranh không mấy sôi động.

Theo nhận định của Nedspice, tại các vùng sản xuất lớn của Việt Nam, thương mại tiêu có mối liên hệ chặt chẽ với cà phê. Do đó, các đại lý đang có động thái thanh lý hàng dự trữ khi vụ thu hoạch cà phê đang bắt đầu. Điều này gây áp lực lên giá trong bối cảnh nhu cầu vẫn chậm do lo ngại về suy thoái kinh tế tại Mỹ và châu Âu cũng như chính sách Zero Covid của Trung Quốc.

Trong khi đó, lượng hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ cũng được đánh giá là vẫn ở mức cao. Ngoài ra, giá cà phê tăng trong khi giá tiêu giảm cũng khiến các đại lý cần bán số lượng tiêu lớn hơn để có thể thu mua cà phê, điều này càng gây thêm áp lực giảm giá lên thị trường.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục