Thiếu container rỗng tiếp tục kìm hãm xuất khẩu cà phê

16/06/2021 07:20 GMT+7
Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng thiếu container rỗng dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng tới, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cà phê. 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt nam đạt giá trị 1,3 tỷ USD, giảm hơn 11% về lượng và giảm 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) xuất khẩu cà phê tháng 5 năm ước đạt 135 nghìn tấn với giá trị đạt 248 triệu USD.

Lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 720 nghìn tấn và 1,3 tỷ USD, giảm 11% về khối lượng và giảm 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm đạt 1.804 USD/tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện nay, vùng cà phê Tây nguyên ở Việt Nam đã bước vào mùa mưa năm nay, sẽ hỗ trợ tốt cho cây cà phê phát triển vụ mới với dự đoán sản lượng tăng nhẹ.

Tuy nhiên, giá phân bón tại thị trường trong nước và quốc tế dự kiến tăng trong năm 2021 và 2022 sẽ là thách thức đối với những người trồng cà phê.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng trên các chuyến tàu từ Châu Á sang Châu Âu và Mỹ vẫn rất trầm trọng, các hãng vận tải đang trong tình trạng quá tải đặt chỗ và hàng hóa vận chuyển đang bị chậm trễ do hạn chế về năng lực vận chuyển trước nhu cầu tăng cao. Tình trạng thiếu container rỗng dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng tới.

 - Ảnh 1.

Thiếu container rỗng đang kìm hãm xuất khẩu cà phê (Ảnh: JOC)

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo việc tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội tại các thị trường tiêu thụ lớn ở Châu Âu, Châu Mỹ kỳ vọng hỗ trợ giá xuất khẩu cà phê tăng. Trong khi, lượng xuất khẩu từ hai nhà sản xuất hàng đầu Brazil và Việt Nam có phần chậm lại.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích kinh tế hiện hành, góp phần hỗ trợ rất đáng kể cho sức tiêu thụ hàng hóa nói chung và sự hồi phục giá cà phê robusta sàn London.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) các yếu tố như thời tiết không thuận lợi tại Brazil, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam và nhu cầu tiêu thụ dự báo tăng đã tác động tích cực, khiến giá cà phê robusta tăng vào đầu tháng 6.

Trên sàn giao dịch London, sau khi ghi nhận mức giá tăng cao nhất 2,5 năm vào ngày 8/6, ngày 9/6 giá cà phê robusta giao kỳ hạn giảm từ 1,8 – 1,9%. 

Tuy nhiên, so với ngày 29/5, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 7, tháng 9 và tháng 11 đạt mức 1.596 USD/tấn, 1.621 USD/tấn và 1.640 USD/tấn, tăng lần lượt 0,8%, 1% và tăng 1,2%.

Khảo sát ngày 15/6, giá cà phê trong nước dao động ở mức 33.000 – 34.200 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 33.000 đồng/kg có mặt tại tỉnh Lâm Đồng và cao nhất là 35.200 đồng/kg ghi nhận tại TP HCM. 

Các địa phương như Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum đang giao dịch trong khoảng 33.800 - 34.200 đồng/kg.


Hoàng Anh
Cùng chuyên mục