Thiếu thịt lợn Tết 2020, điều chỉnh không khó

13/12/2019 14:47 GMT+7
Theo đánh giá từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn dịp Tết 2020 là chắc chắn. Tuy nhiên, hiện nay, người dân đã không còn tập quán tích trữ thực phẩm như trước nên việc điều tiết thị trường không phải chuyện khó.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 12/12, ông Hoàng Anh Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn.

Trước tình hình trên, Bộ đã có văn bản gửi Sở Công thương các tỉnh nhằm theo dõi tình hình địa phương, phân tích tình hình nhu cầu nội tại, cân đối tham mưu các UBND tỉnh, đảm bảo nguồn cung, kể cả vấn đề nhập khẩu.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, công tác quan trọng bậc nhất là tuyên truyền người tiêu dùng, tăng nguồn cung các mặt hàng khác để có thời gian thực hiện tái đàn đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới.

Thiếu thịt lợn Tết 2020, điều chỉnh không khó - Ảnh 1.

Người dân có thói quen gói bánh chưng bằng "thịt mát" sẽ tránh được tình trạng "găm hàng, thổi giá" của các đơn vị chăn nuôi, phân phối.

Trước đó, Bộ Công Thương đã ra thông báo về giải pháp ứng phó tình trạng thiếu thịt lợn. Đáng chú ý, trong số các giải pháp, Bộ Công Thương đề nghị tăng cường tuyên truyền đến người dân về việc sử dụng các thực phẩm thay thế và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh.

"Các địa phương định hướng cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường việc đưa ra các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn mới (như thịt kho tàu, nhân bánh chưng, chân giò muối…) được chế biến từ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường." Bộ Công Thương thông tin.

Trước tình trạng trên, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, siêu thị cũng đã gấp rút tiến hành các biện pháp tích trữ hàng hóa mục tiêu bình ổn giá cho thị trường Tết 2020.

Trao đổi với Etime/Dân Việt, Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương Mại Hapro cho biết, thực trạng thiếu thịt lợn đã hiển hiện, tuy nhiên, việc điều chỉnh thị trường, bình ổn giá không phải vấn đề khó khăn.

"Về phía Hapro, chúng tôi sẽ thực hiện các chương trình dự trữ, bình ổn giá, đặc biệt, đối với mặt hàng thịt lợn, trong trường hợp giá thị trường cao hơn niêm yết quá 5% mới xem xét điều chỉnh.

Tuy nhiên, theo tôi đánh giá, tình trạng biến động giá cũng sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn vì dịp Tết cũng chỉ có mấy ngày. Hiện nay, người dân không còn tập quán tích lũy thực phẩm trong 3 ngày Tết, do đó, việc thiếu thịt lợn có thể điều chỉnh được." Ông Vượng chia sẻ.

Ngoài ra, cũng theo phân tích của đại diện Tổng công ty Thương Mại Hapro, vấn đề quan trọng nhất để điều tiết thị trường là các động thái tác động đến tâm lý người tiêu dùng. Nếu người dân làm quen được với việc gói bánh chưng bằng "thịt mát", tình trạng các đơn vị chăn nuôi, lái buôn "găm hàng, thổi giá" sẽ không còn.

"Theo tôi, năm nay người dân sẽ quen với việc sử dụng bánh chưng gói bằng "thịt mát", giá thành có thể sẽ cao hơn một chút. Quan trọng nhất là các động thái về mặt tâm lý, khi các cơ quan chức năng có những biện pháp nhằm thay đổi thói quen của người tiêu dùng sẽ khiến các đơn vị chăn nuôi giảm bớt tình trạng đầu cơ tích trữ.

Ngoài ra, cần tăng cường lực lượng kiểm soát biên giới, hiện nay, Trung Quốc đang rất thiếu thịt lợn và giá cao hơn Việt Nam. Vừa qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng có thông tin về việc thịt lợn của các nước láng giềng tại các tỉnh phía Nam như Campuchia, Thái Lan tràn vào Việt Nam. Trong tình hình, thiếu hụt như hiện tại thì việc này cũng rất tốt. Tuy nhiên, trong các hiệp định giữa 2 nước chưa có nội dung liên quan đến thịt lợn dẫn đến khó kiểm soát chất lượng." Ông Vượng thông tin thêm.

Mới đây, Tổng Cục QLTT cho biết, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 3 phối hợp với Đội 389 tỉnh Lạng Sơn, Công an huyện Đình Lập, Đồn Biên phòng Bắc Xa vừa kiểm tra, bắt giữ 19 con lợn thịt còn sống, tương đương khoảng 3 tấn đang trên đường vận chuyển lậu qua biên giới Trung Quốc.

Theo khai nhận ban đầu, chủ lô hàng cho biết, đây là chuyến lợn thứ 2 người này xuất đi Trung Quốc. Toàn bộ số lợn trên được mua tại Bắc Giang với giá 83.000đồng/1kg lợn hơi, tổng trị giá lô hàng trên 204 triệu đồng. Sau đó, các đối tượng tìm mối bán lại cho một thương lái Trung Quốc với giá cao.

Trước đó, vì mức giá "hời", nhiều thương lái bất cấp lệnh cấm của Bộ NN&PTNT ồ ạt đưa lợn sống, thịt lợn vượt biên sang Trung Quốc. Tổng cục QLTT đã liên tục bắt, lập biên bản với nhiều trường hợp đưa lợn sang Trung Quốc qua đường mòn, lối mở.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục