Thịt lợn có thương hiệu: “Cuộc đua” 3F ngày càng gay cấn

01/10/2022 13:21 GMT+7
"Chúng tôi cho rằng thịt có thương hiệu sẽ dần thay thế thịt không thể truy xuất nguồn gốc, tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp 3F". Đây là nhận định của các chuyên gia thuộc Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT vừa đưa ra.

Thịt sạch từ mô hình 3F sẽ dần thay thế thịt không rõ nguồn gốc 

Thịt lợn là loại thịt thiết yếu ở Việt Nam, chiếm 66% tổng lượng thịt tiêu thụ, theo sau là thịt gia cầm và thịt bò. Mặc dù thịt lợn là loại thịt chính, thị trường thịt lợn trong nước vẫn duy trì ở mức thấp vì 95% thịt lợn tiêu thụ là thịt ấm và không an toàn (lợn được nuôi bằng thuốc kháng sinh hoặc tăng trọng; giết mổ quy mô nhỏ, tiêu chuẩn vệ sinh thấp, thịt được vận chuyển mà không có kiểm soát thú y, được bán ở các chợ có nguy cơ truyền nhiễm cao).

Thịt lợn có thương hiệu: “Cuộc đua” 3F ngày càng gay cấn - Ảnh 1.

VNDIRECT cho rằng thu nhập, kiến thức dinh dưỡng và nhận thức về sức khỏe của người Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là sau ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi và Covid-19, dẫn đến nhu cầu thịt sạch tăng lên. Các sản phẩm thịt sạch là đầu ra của mô hình 3F: Feed – doanh nghiệp tự sản xuất thức ăn chăn nuôi, đảm bảo đáp ứng cân bằng dinh dưỡng đầy đủ cho từng giai đoạn phát triển của động vật.

Farm - trang trại chăn nuôi được phát triển ở quy mô công nghiệp, động vật được nuôi trong các trang trại khép kín, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh và Food – thịt lợn hơi được kiểm soát nghiêm ngặt bởi nhà sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của Chính phủ và hoàn toàn rõ nguồn gốc. 

Xu hướng này phát triển mạnh ở khu vực thành thị, nhờ sự phát triển của kênh thương mại hiện đại giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với thịt sạch có thương hiệu và rõ nguồn gốc. Do đó, VNDIRECT cho rằng thị trường thịt lợn Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng và các doanh nghiệp áp dụng mô hình 3F sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi nhu cầu sang thịt sạch ở khu vực thành thị.

Những nhân tố mới tham gia “cuộc đua 3F” 

Cùng với nhóm doanh nghiệp nước ngoài, thị trường sản xuất và chế biến thịt lợn cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp trong nước như HAG, BAF, Vissan....Mới đây, ngày 17/9, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG VN, HOSE) đã chính thức ra mắt thương hiệu Bapi “Heo ăn chuối” và cửa hàng BapiMart đầu tiên tại TP.HCM với sản phẩm chủ lực là thịt lợn mảnh cùng một số thực phẩm chế biến từ thịt: Thịt nguội, chả lụa, xúc xích. “Heo ăn chuối” được giới thiệu là sản phẩm thịt thơm ngon và sạch do lợn ăn chuối sạch quanh năm ít mắc bệnh dịch hơn. Bên cạnh đó việc tận dụng được nguồn chuối thải loại làm thức ăn chăn nuôi cũng giúp “Heo ăn chuối” giảm được giá thành sản xuất.

Bên cạnh HAG còn có một cái tên mới nổi khác là BAF. Ra mắt sản phẩm từ năm 2021, đến nay thịt thương hiệu của BAF đã có mặt tại 50 cửa hàng Siba Food và 250 cửa hàng Meat Shop. Hiện nay, BAF có quy mô đàn lợn hơn 200.000 con (bao gồm lợn thịt và lợn giống), hai nhà máy thức ăn chăn nuôi và 15 trang trại rộng khắp khu vực phía Nam.

VNDIRECT cho rằng sự gia nhập của BAF và HAG đang “phù hợp với thời đại” những bước dịch chuyển trong thói quen của người tiêu dùng từ mua thịt ở chợ, không rõ nguồn gốc sang những nơi có thương hiệu, có tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Thịt lợn có thương hiệu: “Cuộc đua” 3F ngày càng gay cấn - Ảnh 2.

3F và thịt có thương hiệu: Sân chơi đã có sẵn những đối thủ lớn 

Mặc dù thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhờ tên thương hiệu đặc biệt, nhưng VNDIRECT cho rằng sản phẩm “Heo ăn chuối” không có quá nhiều khác biệt so với những sản phẩm thịt sạch đang có đối với thị trường, xét ở góc độ tiêu dùng. Giá trị thị trường ngành thịt Việt Nam ước tính đạt 8,9 tỷ USD vào năm 2021, với sự tham gia của nhiều công ty lớn như CP Food, GreenFeed, Japfa, CJ Vina, Dabaco và Masan Meatlife. Trong đó CP Việt Nam, công ty con của Tập đoàn CP Thái Lan, là DN sản xuất thịt lớn nhất Việt Nam với thị phần thịt lợn ước tính khoảng 17-18%. Một cái tên đáng chú ý khác là Meat Deli (thương hiệu của Masan Meatlife) ra mắt thị trường vào cuối năm 2019.

Mô hình 3F là viết tắt của feed – farm – food tức là qui trình sản xuất thực phẩm an toàn phải bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi, tới quá trình nuôi ở các trang trại và đến khâu chế biến thực phẩm. (Theo Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam).

Mô hình 3F là chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Doanh nghiệp kinh doanh có qui mô lớn, có nguồn lực có thể đầu tư kinh doanh từ xây dựng nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp đến xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp, nhà máy chế biến và sở hữu chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Sự phát triển mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khép kín này có thể bắt đầu từ một khâu trong chuỗi cung ứng, sau đó mới phát triển xuôi hoặc ngược.

Mô hình này đang được coi là mô hình chuẩn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, phù hợp với các doanh nghiệp có tiềm lực vốn và nhân lực lớn.

Sau 2 năm ra mắt, sản phẩm Meat Deli đã có mặt rộng rãi trên hệ thống siêu thị Winmart và chiếm khoảng 2-3% thị phần. Sản phẩm thịt mát Meat Deli của MML vẫn đang đứng đầu về mức giá trong phân khúc thịt lợn có thương hiệu với câu chuyện “Thịt mát theo tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam” - sử dụng công nghệ đóng gói Oxy Fresh 9. VNDIRECT cho rằng sân chơi “3F” hiện đang khá chật chội mới nhiều đối thủ mạnh. Tuy nhiên theo Ipsos Việt Nam, phân khúc thịt lợn thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng khoảng 10% -15% mỗi năm, do phân khúc này mới chỉ chiếm khoảng 10% toàn thị trường. Do vậy đây vẫn là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất thịt có sự đầu tư vào hệ thống chăn nuôi, phân phối qua điểm bán hiện tại và đi theo câu chuyện “thịt sạch và có nguồn gốc rõ ràng”.

Cũng tại báo cáo mới này, VNDIRECT đánh giá cao triển vọng của BAF do công ty đang bắt đầu giai đoạn mở rộng để trở thành một trong 3 công ty chăn nuôi sở hữu đàn lợn lớn nhất cả nước, đứng sau GreenFeed Việt Nam vào năm 2030. 

VNDIRECT kỳ vọng lợi nhuận ròng của BAF sẽ tăng trưởng bình quân 16,2% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2023-2024, nhờ vào việc mở rộng công suất; do đó khuyến nghị khả quan với BAF với giá mục tiêu là 33.500 đồng/cp. 

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể quan sát thêm các mã cổ phiếu DBC và MML là những doanh nghiệp sản xuất thịt có thương hiệu niêm yết trên thị trường: DBC là một trong các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam với vị thế vững chắc ở khu vực miền Bắc. Doanh nghiệp đã phát triển đầy đủ mô hình kinh doanh 3F từ năm 2010 và hiện nằm trong số 10 nhà sản xuất hàng đầu trong chuỗi giá trị thịt lợn và gia cầm. 

MML là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất thịt mát đồng thời có mặt trên toàn bộ chuỗi giá trị thịt lợn. Meat Deli (thương hiệu của Masan Meatlife) ra mắt thị trường vào cuối năm 2019. Sau 2 năm ra mắt, sản phẩm Meat Deli đã có mặt rộng rãi trên hệ thống siêu thị Winmart và chiếm khoảng 2-3% thị phần. 

Bên cạnh những thuận lợi là rủi ro đầu tư, VNDIRECT cho rằng: Điều kiện thời tiết không thuận lợi cùng với việc hạn chế xuất khẩu tại một số nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới có thể gây áp lực khiến giá nông sản thế giới quay trở lại đà tăng. Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát thời gian gần đây tại các tỉnh phía Nam khiến các hộ nông dân bán tháo đàn, gây dư thừa nguồn cung lợn. Đối với doanh nghiệp mới (như BAF, HAG), VNDIRECT nhận thấy một số rào cản gia nhập ngành bao gồm: Cạnh tranh từ các công ty đã có sẵn thị phần và hai là đảm bảo được hệ thống nhà máy và trang trại khép kín từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi đến cung cấp thịt thành phẩm ra thị trường.

Được biết, trong ngày đầu tháng 10, giá lợn hơi cả nước ghi nhận nhiều biến động; đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc mức tăng phổ biến đến 2.000 - 3.000 đồng/kg trong khi ĐBSCL vẫn chưa dứt đà giảm.

Khu vực phía Bắc, giá lợn hơi tại Phú Thọ và Hà Nội tăng mạnh nhất tới 3.000 đồng, đạt mức giá giao dịch lần lượt là 59.000 và 60.000 đồng/kg. Các tỉnh Lào Cai, Hưng Yên và Thái Bình tăng 2.000 đồng, thương lái hiện đang thu mua lợn hơi với giá 57.000, 61.000 và 62.000 đồng/kg. Ngoại trừ Lào Cai có giá 57.000 đồng thấp nhất khu vực, mặt bằng giá lợn hơi miền Bắc ở mức bình quân 60.000 - 61.000 đồng/kg.

Ở khu vực miền Trung, một vài địa phương điều chỉnh tăng từ 1.000 - 2.000 đồng; phần lớn các tỉnh vẫn duy trì mức giá cũ. Cụ thể, Lâm Đồng và Quảng Ngãi nhích nhẹ một giá lên mức 58.000 và 61.000 đồng/kg. Bình Thuận điều chỉnh tăng 2.000 đồng, giá thu mua lên 57.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất khu vực tiếp tục được ghi nhận tại hai tỉnh Đắk Lắk và Ninh Thuận là 56.000 đồng. Các tỉnh còn lại vẫn duy trì mức giá 60.000 - 61.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi có nhiều biến động. Ở thủ phủ chăn nuôi Đông Nam bộ, sau nhiều ngày giảm và liên tiếp duy trì mức giá thấp, hôm nay đã ghi nhận sự khởi sắc ở một số nơi. Cụ thể Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu cùng tăng 2.000 đồng, đạt giá bán 58.000 đồng/kg. Tây Ninh tăng 1.000 đồng, đạt mức 56.000 đồng/kg; đây cũng là mức giá bán lợn hiện nay tại Bình Dương. TP.HCM và Bình Phước có cùng mức giá 57.000 đồng/kg.

Riêng tại khu vực ĐBSCL, giá lợn hơi vẫn tiếp tục giảm ở một số địa phương. Giảm mạnh nhất là Cà Mau, tới 2.000 đồng, hiện giá mua bán là 57.000 đồng/kg. Tiếp tục xu hướng giảm còn có Bến Tre và Hậu Giang với mức giảm 1.000 đồng, giá lợn cùng ở mức 54.000 đồng/kg. Giá lợn hơi cao nhất khu vực miền Tây vẫn là Long An với 61.000 đồng/kg. Ngược lại, với chỉ 51.000 đồng, giá lợn hơi ở Kiên Giang đang ở mức thấp nhất cả nước; cao hơn một chút là Sóc Trăng với 53.000 đồng/kg.

Có thể nói, mô hình 3F đã làm thay đổi bộ mặt ngành chăn nuôi.

Nếu trước đây, ngành chăn nuôi “bị chặt ra nhiều khúc”, như làm giống, sản xuất thức ăn, nuôi trồng, trong đó từng công đoạn lại có lợi nhuận riêng, rủi ro riêng và lợi nhuận không phân phối đều, ngoài ra đó là tư tưởng “cha chung không ai khóc”, khi sản phẩm bị từ chối trên thị trường, trách nhiệm không biết thuộc về ai.

Nhưng mô hình 3F rõ ràng đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu làm giống, sản xuất thức ăn, chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm… tất cả phải có sự liên thông, minh bạch.

Một chuyển biến rõ nét đó là các nhà máy sản xuất thức ăn ngày nay buộc phải liên kết chặt chẽ với các trang trại và cung cấp các chứng nhận về sản xuất thức ăn sạch cho các trang trại. Thậm chí, các nhà máy sản xuất thức ăn còn tham gia vào quá trình nuôi và cung ứng sản phẩm chăn nuôi ra thị trường.

Sự phát triển “thần tốc” của mô hình chăn nuôi 3F, đề cao cung ứng sản phẩm theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc đã làm thay đổi căn bản ngành chăn nuôi Việt Nam.

Khái niệm về một nhà máy hay một ngành sản xuất chuyên biệt ngày càng trở nên lạc hậu, thay vào đó là việc vận hành sản xuất theo chuỗi khép kín trong chăn nuôi từ sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến và cung ứng đến tận tay người tiêu dùng.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục