Giá lợn hơi có thể sớm giảm "mất đầu số 6"

24/09/2022 10:56 GMT+7
Giá lợn hơi tuột dốc khá mạnh khi sức mua giảm sút và người chăn nuôi ồ ạt bán ra khiến gia tăng nguồn cung. Nhiều dự báo cho thấy giá lợn hơi có thể "giảm mất đầu số 6"...

Giá lợn hơi hôm nay 24/09/2022, chưa có tín hiệu khởi sắc

Giá lợn hơi hôm nay 24/9 đi ngang tại khu vực miền Bắc, giảm nhẹ 1.000 đồng/kg tại một vài địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên và khu vực miền Nam.

Mức giá toàn quốc đang chững lại, giảm nhẹ ở một vài tỉnh Hải Dương, Huế, Vĩnh Long. Dự báo mức giá lợn hơi cả nước tuần tới có thể giảm "mất đầu số 6".

Ngày 24/9 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam đứng ở mức thấp sau khi giảm thêm 1.500 đồng/kg chiều qua. Giá lợn hơi CP cao nhất tại miền Bắc, đứng ở mức 63.000 đồng/kg; tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 59.000 đồng/kg. Giá lợn hơi Trung Quốc hôm nay đứng ở mức cao sau khi tăng lên hôm qua, mức 81.300 đồng/kg.

Tại khu vực miền Bắc, sau nhiều đợt giảm giá liên tục, giá lợn hơi hôm nay đi ngang và dao động trong khoảng 59.000 - 62.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá cao nhất khu vực 62.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bắc Giang, Hưng Yên và Thái Bình.

Thấp hơn một giá, tại Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Ninh Bình đang được thương lái thu mua lợn hơi ở mức 61.000 đồng/kg. Còn tại Thái Nguyên, giá lợn hơi đang neo tại mức thấp nhất khu vực là 59.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay ghi nhận giảm nhẹ tại một vài địa phương và dao động trong khoảng 56.000 - 61.000 đồng/kg. Cụ thể, cùng giảm 1.000 đồng/kg, tại Nghệ An và Thừa Thiên Huế hiện thương lái thu mua lợn hơi với giá 60.000 đồng/kg, ngang bằng Bình Định.

Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, Lâm Đồng và Ninh Thuận đang thu mua lợn hơi ở mức 59.000 đồng/kg. Các tỉnh Đắk Lắk, Bình Thuận hiện đang ở mức 56.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Mức giá cao nhất khu vực 61.000 đồng/kg được ghi nhận tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Khánh Hòa.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay cũng điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg tại một vài tỉnh thành và dao động trong khoảng 57.000 - 63.000 đồng/kg. Cụ thể, Vĩnh Long giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua, hiện thu mua lợn hơi tại mức 59.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, Bình Phước, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp và Cần Thơ đang giao dịch chung mức 58.000 đồng/kg. Long An là địa phương giữ giá lợn hơi cao nhất khu vực, đạt ngưỡng 63.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi có thể sớm giảm "mất đầu số 6" - Ảnh 1.

Nguồn: ANOVA FEED

Giá lợn hơi có thể sớm giảm "mất đầu số 6" - Ảnh 2.

Giá lợn hơi hôm nay 24/9 đi ngang tại khu vực miền Bắc, giảm nhẹ 1.000 đồng/kg tại một vài địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên và khu vực miền Nam.

Xu hướng giảm giá hiện nay khiến nhiều nhà chăn nuôi lo lắng giá lợn có thể tiếp tục giảm xuống dưới giá thành. Nguyên nhân giá lợn giảm là do thời gian gần đây việc tái đàn khá phổ biến khiến cho lượng cung lớn hơn cầu. Trong khi đó, sức tiêu thụ thịt lợn tại các kênh bán lẻ đều chậm. 

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận định: Thị trường Trung Quốc hiện đang xả kho dự trữ để bình ổn giá trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, ảnh hưởng một phần đến giá lợn trong nước. Ở thị trường nội địa sức mua thịt lợn đang giảm sút vì người tiêu dùng bị giảm thu nhập, thắt chặt chi tiêu. Các bếp ăn tập thể cũng giảm tiêu thụ vì công nhân bị cắt giờ làm. Trong khi đó nguồn cung thịt lợn vẫn như cũ, thậm chí người dân còn tranh nhau bán, ào ào đưa ra thị trường nên dẫn đến giảm giá.

Thực tế, giá lợn đã đi xuống trong suốt tuần qua. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, đến cuối tháng 8, tổng đàn lợn trên cả nước khoảng 28,7 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi cả nước ước đạt khoảng 2,94 triệu tấn. Dự kiến từ nay đến cuối năm, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 350.000 tấn/tháng.

Thị trường thịt lợn toàn cầu cũng biến động mạnh

Trong tháng 8/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ cũng đã có nhiều biến động, tăng lên mức 101,1 UScent/lb vào ngày 11/8/2022, sau đó giá có xu hướng giảm trở lại. Ngày 28/8/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn gần ở mức 90,9 UScent/lb, giảm 6,6% so với cuối tháng 7/2022, nhưng tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2021. Giá lợn nạc giảm do số lượng lợn giết mổ tăng cao.

Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EU), sản lượng thịt lợn của EU năm 2022 dự kiến sẽ giảm 4,7% so với năm 2021, do chi phí đầu vào cao, kết hợp với tác động của quy định chặt chẽ mới về môi trường ở một số nước và xuất khẩu giảm do dịch tả lợn châu Phi (ASF). Trong đó, sản lượng thịt lợn tại Đức giảm 14%, Ý giảm 7,5% và Ba Lan giảm 14%. Sản lượng tại Bỉ dự kiến sẽ giảm 3% và sản lượng tại Hà Lan ổn định trong bối cảnh nông dân lo ngại về các quy định mới về môi trường. Ngược lại, sản lượng tại Tây Ban Nha được dự đoán sẽ tiếp tục xu hướng tăng, sản lượng năm 2022 tăng 3% so với năm 2021. 

Nhu cầu thịt lợn của EU dự báo cũng sẽ giảm. Năm 2022, tiêu thụ nội địa của EU có thể giảm 3,3% so với năm 2021, xuống mức trung bình 31,7 kg/người. Xuất khẩu thịt lợn của EU dự kiến sẽ giảm 9,6% trong năm 2022, trong khi nhập khẩu thịt lợn tăng 28% so với năm 2021. 

Thịt lợn xuất khẩu sang Trung Quốc dự báo sẽ giảm mạnh 40%, gần với mức trước dịch tả ASF, do Trung Quốc tiếp tục khôi phục sản xuất thịt lợn. Xuất khẩu thịt lợn của EU sang các thị trường khác sẽ tăng trong năm 2022 như Nhật Bản, Philippines, Hoa Kỳ và Úc. 

Xuất khẩu thịt của Brazil dự báo tăng trong năm 2022. Theo ước tính từ Cơ quan thống kê và cung ứng thực phẩm Conab của Brazil, các nhà xuất khẩu thịt gà của nước này có thể xuất khẩu được 4,7 triệu tấn thịt gà trong năm 2022, tăng 6% so với năm 2021. Ngoài ra, xuất khẩu thịt bò của Brazil dự kiến đạt 2,84 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2021. Trong khi xuất khẩu thịt lợn có thể sẽ giảm khoảng 2%, xuống còn hơn 1 triệu tấn do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm. Năm 2022, các nhà chế biến thịt gà, thịt bò và thịt lợn của Brazil dự kiến sẽ sản xuất được khoảng 28 triệu tấn thịt. Đối với gia cầm, sản lượng sẽ duy trì ở mức gần 15 triệu tấn, đảm bảo khả năng cung ứng bình quân đầu người khoảng 48,6 kg/người/năm, thấp hơn mức kỷ lục năm 2021 do nguồn cung dự kiến giảm 3%, nhu cầu xuất khẩu mạnh và dân số tăng. Đối với thịt lợn, sản lượng ước tính đạt kỷ lục 4,84 triệu tấn vào năm 2022, tăng khoảng 3% so với năm 2021, điều này có thể làm giảm giá thành thịt lợn trong nước. Trong khi đó, sản lượng thịt bò của Brazil có xu hướng giảm, phản ánh nhu cầu trong nước chậm. Mặc dù vậy, các công ty trong nước ước tính sản xuất khoảng 8,1 triệu tấn thịt bò trong năm 2022, với kỳ vọng rằng lượng bình quân đầu người khoảng 25 kg/người/ năm. 

Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh trong tháng 7/2022. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 7/2022, Trung Quốc nhập khẩu 120 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), với trị giá 260,66 triệu USD, giảm 65,1% về lượng và giảm 74,7% về trị giá so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đạt 930 nghìn tấn, trị giá 1,87 tỷ USD, giảm 65% về lượng và giảm 75,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2022, chiếm 29,6% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, với 555,46 triệu USD, giảm 77,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng thứ hai là Brazil, trong trong 7 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc từ Brazil đạt 416,98 triệu USD, giảm 58,6% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 22,2% tổng trị giá thịt lợn nhập khẩu của Trung Quốc.

Với thị trường nội địa thời gian tới, dự báo giá lợn hơi trong nước của ta tiếp tục dao động quanh mức 60.000 đồng/kg và có thể giảm "mất mốc đầu số 6". Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, với các giải pháp không quá phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, đàn vật nuôi vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, dự kiến nhu cầu lợn thịt khoảng 51 triệu con, với tốc độ tăng đàn khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu giảm như hiện nay, người chăn nuôi đang rất cần hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ từ các tổ chức tín dụng, giúp họ tăng đàn thuận lợi trong thời gian tới. 

Để cân đối cung cầu, từ nay đến cuối năm 2022, sản lượng thịt các loại của cả nước phải đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi dự kiến phải đạt trên 4,2 triệu tấn; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn. 



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục