Giá lợn hơi tiếp tục giảm, thị trường khó có thể phục hồi, nông dân lo dịch sau bão lớn

27/09/2022 18:18 GMT+7
Giá lợn hơi hôm nay 27/9 đi ngang tại khu vực miền Bắc, miền Nam và giảm nhẹ 1.000 đồng/kg tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Các chuyên gia dự báo, thị trường lợn hơi khó có thể phục hồi trong ngắn hạn...

Giá lợn hơi hôm nay 27/9: Giảm 1.000 đồng/kg, nông dân lo dịch tiếp tục bùng phát sau bão lớn

Giá lợn hơi hôm nay 27/09/2022 tiếp tục giảm, thị trường lợn hơi khó phục hồi trong ngắn hạn. Mức giá toàn quốc giảm thêm từ 1.000-5.000 đồng/kg, mức giá trung bình toàn quốc còn 58.000 đồng/kg. Giá lợn hơi toàn quốc dao động trong khoảng 55.000-62.000 đồng/kg. Người chăn nuôi đang lo sợ dịch tiếp tục bùng phát sau cơn bão lớn.

Ngày 27/9 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam đứng ở mức thấp. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc, chỉ còn đứng ở mức 59.000 đồng/kg; tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 60.000 đồng/kg. Giá lợn hơi Trung Quốc hôm nay đứng ở mức cao, tăng hơn hôm qua, ở mức 81.700 đồng/kg.

Giá lợn hơi tiếp tục giảm, thị trường khó có thể phục hồi, nông dân lo dịch sau bão lớn - Ảnh 1.

Nguồn: ANOVA FEED

Giá lợn hơi tiếp tục giảm, thị trường khó có thể phục hồi, nông dân lo dịch sau bão lớn - Ảnh 2.

Giá lợn hơi hôm nay 27/9: Giảm 1.000 đồng/kg, nông dân lo dịch tiếp tục bùng phát sau bão lớn

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay đi ngang so với ngày hôm qua và dao động trong khoảng 59.000 - 62.000 đồng/kg. Như vậy, đây là ngày thứ 2 giá lợn hơi khu vực này không ghi nhận sự biến động. Trong đó, tại Thái Nguyên, giá lợn hơi duy trì ở mức 59.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Trong khi đó, các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên và Thái Bình tiếp tục thu mua lợn hơi với giá cao nhất là 62.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá và dao động trong khoảng 60.000 - 61.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay tiếp tục giảm nhẹ tại một vài địa phương và dao động trong khoảng 56.000 - 61.000 đồng/kg. Theo đó, cùng giảm 1.000 đồng/kg, thương lái tại Quảng Nam và Quảng Ngãi đang thu mua lợn hơi với giá 60.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại nhiều địa phương như Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa. Các tỉnh thành còn lại không ghi nhận thay đổi mới về giá trong ngày hôm nay, trong đó, Đắk Lắk và Bình Thuận cùng ghi nhận mức giá 56.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Lâm Đồng và Ninh Thuận lần lượt ghi nhận giá lợn hơi ở mức 58.000 đồng/kg và 59.000 đồng/kg. Các địa phương gồm Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị ghi nhận mức giá lợn hơi cao nhất khu vực 61.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay đồng loạt chững lại trên diện rộng và dao động trong khoảng 57.000 - 63.000 đồng/kg. Cụ thể, thương lái tại Tây Ninh, Vũng Tàu, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre và Sóc Trăng tiếp tục thu mua lợn hơi với giá thấp nhất là 57.000 đồng/kg. Ngoại trừ Cà Mau và Long An đang neo tại mức 60.000 đồng/kg và 63.000 đồng/kg, các tỉnh thành khác vẫn giữ giá ổn định trong khoảng 58.000 - 60.000 đồng/kg.

Nguồn cung ổn định sẽ là cơ sở để ổn định giá thịt lợn

Giá lợn hơi trong nước đứng ở mức thấp và khó có thể phục hồi trong ngắn hạn là do Trung Quốc cũng gia sức ổn định giá thịt lợn, đặc biệt trong dịp lễ Quốc khánh 1/10. Trung Quốc đã đưa ra thị trường 14.400 tấn thịt heo đông lạnh từ kho dự trữ để để duy trì nguồn cung và ổn định giá.

Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết trong tháng 9 này Trung Quốc đã đưa ra thị trường khoảng 200.000 tấn thịt lợn từ kho dự trữ để ổn định giá.

NDRC cho biết Trung Quốc có đủ dự trữ thịt lợn để đáp ứng nhu cầu trên thị trường và sẽ xả kho dự trữ từng đợt cũng như sẽ tăng số lượng xả kho nếu cần thiết.

Thịt lợn là một mặt hàng chủ lực ở Trung Quốc và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các loại thực phẩm được sử dụng để đánh giá chỉ số giá tiêu dùng của nước này.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua đã tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021, sau khi tăng 20,2% trong tháng 7/2022.

Theo trang theo dõi giá thịt lợn của Trung Quốc www.zhuwang.cc, giá thịt lợn trên toàn quốc đã tăng 53% từ mức của tháng 5/2022, lên 23,34 NDT/kg (tương đương 3,4 USD/kg) hôm 9/9.

Giá lợn hơi tiếp tục giảm, thị trường khó có thể phục hồi, nông dân lo dịch sau bão lớn - Ảnh 3.

Ổn định nguồn cung thịt lợn, gia cầm từ nay đến cuối năm là nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra.

Trong nước, theo thống kê của ngành chăn nuôi, tính đến tháng 8/2022 và so với cùng kỳ năm trước, đàn lợn trong cả nước tăng 6,8%, đàn gia cầm tăng 3,6%, đàn bò tăng 3,4%; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 4,71 triệu tấn, tăng 5,2%. Hiện bình quân tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi (người/năm) của Việt Nam đạt khoảng 55 - 57 kg thịt lợn hơi các loại, khoảng 130 quả trứng và khoảng 13 - 5 kg sữa tươi. Mức tiêu thụ này đạt thấp so với khu vực, cụ thể như tiêu thụ thịt chỉ bằng 84% Hàn Quốc, trứng bằng 50% Nhật Bản, sữa bằng 40% trung bình châu Á.

Giá lợn hơi đang xuống thấp khiến nhiều nhà chăn nuôi lo lắng vì giá hiện tại đang trên đà tiệm cận với giá thành sản xuất. Do đó, nhiều hộ chăn nuôi cũng muốn bán sớm để chốt lời. Điều này cũng góp phần làm cho giá lợn đi xuống trong suốt tuần qua. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, đến cuối tháng 8, tổng đàn lợn trên cả nước khoảng 28,7 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi cả nước ước đạt khoảng 2,94 triệu tấn. Dự kiến từ nay đến cuối năm, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 350.000 tấn/tháng.

Nguồn cung ổn định sẽ là cơ sở để ổn định giá thịt lợn, qua đó giúp bình ổn chỉ số giá tiêu dùng nói chung. Từ cuối tháng 6, giá lợn hơi có thời điểm lập đỉnh 75.000 đồng/kg, nhưng sang cuối tháng 7 đến nay, giá đã về quanh mức 58.000 - 70.000 đồng/kg. Việc lương thực - thực phẩm được đảm bảo dồi dào, góp phần kiềm chế đà tăng giá sẽ tạo cơ sở để kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm nay.

Thịt lợn, lúa gạo, rau quả… được dự báo những tháng cuối năm sẽ không căng thẳng nhờ có nguồn cung dồi dào. Trong 7 tháng đầu năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả nước khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá thịt lợn 7 tháng đầu năm nay so với bình quân năm ngoái giảm trên 20%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), để cân đối cung cầu, từ nay đến cuối năm, cả nước phải đạt sản lượng thịt các loại khoảng 7 triệu tấn, tăng 4% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi phải đạt trên 4,2 triệu tấn; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn. Dự báo nhu cầu vào thời điểm Tết Nguyên đán thường tăng từ 10 - 20% so với bình thường.

Ổn định nguồn cung thịt lợn, gia cầm từ nay đến cuối năm là nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra. Việc đã có vaccine tả lợn châu Phi là cơ sở quan trọng để đảm bảo tốc độ tăng trưởng cả năm của đàn lợn vào khoảng 4,8%. Tuy nhiên, với ngành chăn nuôi yếu tố quan trọng nhất vẫn là thức ăn.

Trước những tác độngcủa kinh tế thế giới và giá nguyên liệu nhập khẩu, đại diện Bộ NNPTNT cho biết về một số giải pháp để có nền chăn nuôi tự chủ.

Chúng ta phải có một nền chăn nuôi tự chủ, chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng cây thức ăn, đặc biệt vừa rồi Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Trồng trọt và Chăn nuôi xây dựng hợp tác xã trồng sắn và ngô ở Tây Nguyên đảm bảo thu mua khép kín phục vụ trực tiếp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là biện pháp sẽ đem lại hiệu quả.

Ngoài ra, chúng ta sẽ tập trung trồng ngô sinh khối, chế biến 1,5 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp chuyển làm thức ăn cho đại gia súc. Đây chính là cái chúng ta tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu thức ăn và là giải pháp có hiệu quả ngay.

Có thể thấy Bộ NNPTNT đang tập trung giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, trong đó có giá thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, các ngành chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm soát vận chuyển lậu qua biên giới, kiểm soát các khâu trung gian để giá thịt nói riêng và thực phẩm nói chung tại chợ sẽ không tăng vì đội chi phí ở khâu trung gian.

Với thị trường nội địa thời gian tới, dự báo giá lợn hơi trong nước của ta tiếp tục dao động quanh mức 60.000 đồng/kg, có thể còn thấp hơn nữa. Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, với các giải pháp không quá phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, đàn vật nuôi vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu giảm như hiện nay, người chăn nuôi đang rất cần hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ từ các tổ chức tín dụng, giúp họ tăng đàn thuận lợi trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 8/2022 tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp, tháng 8/2022 tăng 24,4% so với tháng 7/2022 và tăng 44,3% so với tháng 8/2021, đạt 573,32 triệu USD.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu nhóm hàng này đạt trên 3,65 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Achentina, chiếm 29,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt trên 1,09 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng thứ 2 là thị trường Brazil chiếm tỷ trọng 21%, đạt gần 766,74 triệu USD, tăng mạnh 96% so với cùng kỳ.

Tiếp đến thị trường Hoa Kỳ, 8 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu từ thị trường này giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2021; đạt 451,39 triệu USD, chiếm 12,4% trong tổng kim ngạch. Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường EU trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng 15,5% so với 8 tháng đầu năm 2021, đạt 315,5 triệu USD. Nhập từ thị trường Đông Nam Á tăng 3,2%, đạt 252,08 triệu USD.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục