Thu hồi giấy phép 6 thương nhân phân phối, xử phạt loạt doanh nghiệp xăng dầu
Theo đề nghị của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh của các thương nhân phân phối gồm: Công ty TNHH Thương mại xây dựng và vận tải Quảng Hà (Hà Tĩnh), Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng (Cần Thơ), Công ty CP Thương mại dầu khí Đại Long, Công ty CP xăng dầu An Hữu Trà Vinh, Công ty CP Dầu khí Rồng Vàng (Hà Nội) và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Petro Oil An Giang (An Giang).
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải gửi bản chính giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối về Bộ trước ngày 15/3.
Theo quy định của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu là doanh nghiệp được mua xăng dầu của tối đa 3 đầu mối để phân phối lại cho các tổng đại lý, đại lý và doanh nghiệp bán lẻ. Đồng thời, các thương nhân phân phối được quyền bán lẻ trực tiếp xăng dầu trong hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình.
Theo Bộ Công Thương, khi các thương nhân phân phối bị thu giấy phép, các đại lý trực thuộc các doanh nghiệp này hoặc các doanh nghiệp nhượng quyền bán lẻ, đại lý phải tìm nhà cung cấp khác để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho thị trường.
Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước, ngoài 38 doanh nghiệp đầu mối, cả nước đang có hơn 300 thương nhân phân phối cùng khoảng 17 nghìn cửa hàng bán lẻ, các đại lý, doanh nghiệp nhượng quyền và các tổng đại lý để hình thành lên 4 tầng phân phối khác nhau của mạng lưới kinh doanh xăng dầu.
Trong đợt đứt gãy nguồn cung vừa qua, nhiều thương nhân phân phối đã bị cơ quan chức năng phát hiện không có hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu hoặc có những hoạt động mua bán lòng vòng gây bất ổn thị trường.
Trước đó, ngày 17/11/2022, Cục Quản lý thị trường Hà Nội có văn bản báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị thu hồi giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu của Công ty DV&TM Tổng hợp Hải Hà do công ty này đã đóng cửa không bán xăng dầu từ đầu năm 2022 đến nay.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết, lực lượng Quản lý thị trường ở nhiều địa phương vừa kiểm tra và xử phạt hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có vi phạm quy định trong vài ngày trở lại đây.
Cụ thể, ngày 30/1, các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam đã xử phạt 30 triệu đồng đối với 2 doanh nghiệp bán lẻ có hành vi hạn chế bán hàng và ngừng bán hàng không có lý do.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên cũng cho biết, đã xử phạt 15 triệu đồng với Cửa hàng xăng dầu Hòa Mỹ Đông thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) do ngừng bán hàng nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý.
Tại Thái Bình, lực lượng Quản lý thị trường cũng xử phạt 32,5 triệu đồng với Cửa hàng xăng dầu Nam Hải thuộc Công ty TNHH xăng dầu Loan Nghĩa (xóm 1, xã Nam Hải, huyện Tiền Hải) vì bán xăng dầu không đúng với giá do thương nhân phân phối xăng dầu quy định và bán xăng dầu khi chưa được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Tại Hải Phòng, Quản lý thị trường cũng ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng với Công ty TNHH Phú Khánh (số 755A ngã 3 Đa Phúc, phường Đa Phúc, Dương Kinh) về hành vi ngừng bán hàng không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Hồi tháng 9/2022, ngoài phạt tiền, Thanh tra Bộ Công Thương còn ban hành 5 quyết định xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong thời hạn một tháng đối với 5 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.
Vi phạm của các doanh nghiệp này chủ yếu do không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu. Với 5 doanh nghiệp này, ngoài việc không được xuất, nhập khẩu xăng dầu, họ cũng không được mua xăng dầu ở trong nước, không được bán xăng dầu cho các đơn vị khác.