Thu ít nhất 33,5 tỷ từ thoái vốn, vì sao cổ phiếu GAB vẫn chưa vượt “mệnh”?
Chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên (11/7) là 12.000 đồng/cổ phiếu, 13,8 triệu cổ phiếu GAB của Công ty Cổ phần GAB hiện chỉ còn được thị trường định giá ở mức 9.550 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch cuối tuần (2/8).
GAB vẫn chưa về được “mệnh” giá.
Trong 17 phiên giao dịch, GAB đã có 7 phiên tăng và có tới 10 phiên giảm điểm. Đáng nói, GAB ngay lập tức tăng trần liên tiếp trong 3 phiên đầu tiên lên sàn, và sau đó mã cổ phiếu này liên tiếp giảm sàn.
Đồng thời, thị giá của GAB cũng tăng nhanh lên tới 16.450 đồng/cổ phiếu chỉ sau 3 phiên, nhưng với chuỗi 7 ngày giảm liên tiếp (từ 16/7 - 24/7, GAB đã nhanh chóng “bốc hơi” và chính thức rơi về dưới mức 10.000 đồng/cp chốt phiên giao dịch ngày 26/7.
Diễn biến giá cổ phiếu GAB kể từ khi lên sàn
Sắc xanh trên bảng điện tử của cũng đã xuất hiện trở lại với mã cổ phiếu này trong 3 phiên cuối tuần (31/7 – 2/8). Đây cũng chính là thời điểm GAB công bố đã hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của mình là 29,7 tỷ đồng tương ứng với 45% vốn điều lệ tại CTCP sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng Kon Tum. Do đó, CTCP sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng Kon Tum không còn là công ty liên kết của GAB.
Với tổng giá trị thu hồi được ước tính không thấp hơn 33,5 tỷ đồng, GAB đã chốt lời ít nhất 3,8 tỷ đồng từ thương vụ này. Khoản lợi nhuận này sẽ được GAB ghi nhận tái báo cáo tài chính quý III/2019.
Với dự kiến khoản đột biến về lợi nhuận của GAB sẽ cải thiện tích cực lợi nhuận của GAB trong năm 2019 đã tạo lực đỡ giúp GAB tăng điểm. Chốt phiên giao dịch ngày cuối tuần 2/8, GAB đạt 9.550 đồng/cổ phiếu, tăng 0,63% so với phiên liền trước. Tuy nhiên, nếu so với mức giá tham chiếu cùng ngày thì thị giá của GAB phiên này vẫn giảm 5,4%. Hơn thế nữa, GAB vẫn chưa về được “mệnh” giá.
Băn khoăn về kết quả kinh doanh của GAB?
Về sự lao dốc liên tiếp của cổ phiếu GAB trong thời gian qua, ngày 23/7 Công ty Cổ phần GAB đã có công văn giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết:
"Hiện tại hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty diễn ra bình thường. Kết quả kinh doanh quý II/2019 tốt. Ban lãnh đạo công ty đang nỗ lực cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu về doanh thu lợi nhuận đề ra trong năm 2019. Ngoài ra không có thông tin bất thường nào từ phía công ty tác động đến giá cổ phiếu.
Vì vậy, GAB khẳng định: "Giao dịch là do tâm lý thị trường và quyết định mua bán là của các nhà đầu tư và không chịu sự kiểm soát của công ty".
Liệu có phải do nhà đầu tư còn “băn khoăn” về kết quả hoạt động của GAB?
Nhìn vào báo cáo tài chính quý II/2019 của GAB cho thấy, doanh thu thuần quý này của doanh nghiệp đạt 62,6 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần doanh thu cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán cũng tăng từ 22,4 tỷ đồng lên gần 56 tỷ. Kết quả, GAB lãi gộp gần 6,7 tỷ đồng và tăng 26% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp lại giảm mạnh từ 19% cùng kỳ năm ngoái xuống còn 10%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính (lãi tiền gửi) và chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi tiền vay) giảm lần lượt 30% và 18,2% so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng tăng từ 669 triệu lên 899 triệu đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 806 triệu đồng.
Kết quả, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của GAB “cộng thêm” 1,3 tỷ đồng so với cùng kỳ và mang về cho doanh nghiệp gần 4,3 tỷ đồng. Lãi sau thuế trên 3,3 tỷ, tăng 44% so với quý II/2018.
Theo giải trình về chênh lệch lợi nhuận trong báo cáo quý II năm nay so với báo cáo của cùng kỳ năm 2018, GAB cho biết nhờ vào việc tăng công suất sản xuất và tăng năng suất tiêu thụ đồng thời giá cả các mặt hàng vật liệu chịu lửa đều tăng cùng việc mở rộng thị trường giúp doanh thu bán thành phẩm của công ty tăng. Tuy nhiên, trên báo cáo, doanh thu bán thành phẩm trong quý II này của GAB chỉ đạt 8,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 21%? Cùng kỳ năm trước doanh thu bán thành phẩm là hơn 11 tỷ đồng.
Ngoài ra GAB cũng cho biết giá bán thành phẩm quế chẻ tăng mạnh (gấp gần 1,7 lần so với năm 2018), đồng thời cầu mua quế chẻ trên thị trường tăng mạnh. Công ty cũng tập trung bán sản phẩm quế chẻ trong quý II/2019 và doanh thu mảng quế chẻ mang về trên 41 tỷ đồng.
Tuy nhiên trước đó, thông tin từ bản cáo bạch lên sàn của GAB cho thấy, riêng trong tháng 4-5/2019, tiêu thụ quế chẻ đã đạt 650 tấn mang về doanh thu 41,6 tỷ đồng. Như vậy, trong tháng 6, hoạt động này có hay không hề mang lại doanh thu cho GAB?
Nếu có mang lại doanh thu thì rõ ràng con số đó quá nhỏ so với mức doanh thu mà GAB đã đạt được trong 2 tháng trước đó. Điều này có vẻ chưa “khớp” với những gì GAB đưa ra trong bản cáo bạch. Cụ thể, theo bản cáo bạch GAB đưa ra, việc mua bán Quế chẻ diễn ra tập trung vào các tháng giữa năm tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 9 và tháng 10. Ngoài ra, giá xuất khẩu sản phẩm này cũng đã biến động tăng 50% so với năm 2018 (từ mức 45.800 đồng/kg lên 63.000 đồng/kg).
Thông tin từ bản cáo bạch của GAB
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, GAB báo lãi ròng xấp xỉ 5,4 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái chỉ lãi gần 3 tỷ. Lợi nhuận gộp 12,7 tỷ đồng và doanh thu thuần 78,7 tỷ đồng. Năm 2019, công ty đề ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 150 tỷ đồng và 14 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của GAB nửa đầu năm, có tới 58 tỷ đồng đến từ bán hàng hóa (tăng gần 3 lần cùng kỳ), doanh thu từ bán thành phẩm 20,3 tỷ đồng tăng nhẹ so với con số 19,3 tỷ của cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, GAB có hơn 17,6 tỷ doanh thu đối với công ty CP Xây dựng FLC Faros tính đến cuối tháng 6/2019.
Mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng nhưng lưu chuyển thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh của GAB dù đã cải thiện so với năm trước song vẫn là con số âm (-3,1 tỷ đồng). Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của GAB cũng âm 129 triệu đồng.
Đặc biệt, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp kỳ trước dương 10 tỷ thì kỳ này cũng âm xấp xỉ 3 tỷ đồng. Điều này kéo theo dòng tiền thuần trong kỳ của GAB âm tới 6,2 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước dương 68 triệu đồng.