Thứ trưởng Bộ GTVT lưu ý "mèo bé bắt chuột con" với doanh nghiệp hàng hải thâm nhập sâu thị trường nội Á, biển xa
Thứ trưởng Sang cho rằng: "Hệ thống cảng biển Việt Nam đã được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cầu bến, phao neo, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, và được phân bố trải rộng theo vùng miền, tận dụng tối đa được điều kiện tự nhiên, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển".
"Chúng ta đã hình thành một số cảng biển nước sâu, đón được các tàu lớn nhất thế giới đi biển xa mà không phải giảm hàng, phải trung chuyển", Thứ trưởng nói và nhấn mạnh: Từ đây, đã hình thành 3 phân khúc thị trường vận tải là vận tải nội địa, nội Á và biển xa.
Thứ trưởng Sang lưu ý không được lơ là phát triển đội tàu vận tải biển nội địa.
Theo đó, mục tiêu quan trọng vẫn là đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa, hành khách nội địa. Phải làm sao tăng thị phần hàng hóa, khối lượng hàng hóa bằng đường biển và đường nội địa để giảm áp lực cho đường bộ, giảm giá thành vận tải biển và nội địa, từ đó giảm chi phí logistics...
"Phát triển vận tải biển nội địa cũng là để vận tải gom hàng cho vận tải nội Á và biển xa", Thứ trưởng nêu rõ.
Với hai phân khúc thị trường nội Á và biển xa, Thứ trưởng Sang lưu ý "mèo bé bắt chuột con". Trước mắt, các doanh nghiệp cần cố gắng thâm nhập càng nhiều càng tốt vào thị trường nội Á.
Thứ trưởng Sang yêu cầu, trước mắt, chúng ta phải cố gắng giành giật thị trường vận tải nội Á cho đội tàu biển của ta. Muốn phát triển đội tàu vận tải quốc tế, phải "bóc ngắn cắn dài".
"Chúng ta phải có được đội tàu vận tải biển nội địa đủ mạnh để làm cơ sở phát triển đội tàu vận tải quốc tế. Cần có lộ trình thích hợp", Thứ trưởng nói.
Ngoài những nội dung nêu trên, Thứ trưởng Sang chỉ rõ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển "đừng viển vông làm gì. Phải làm sao để đến 2030 phát triển được đội tàu, tăng được thị phần, đáp ứng những mục tiêu hết sức cụ thể chứ không chung chung.
Liên quan tới các giải pháp phát triển đội tàu biển quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu cơ quan xây dựng Đề án Phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam cần cụ thể hơn nữa, thực chất hơn nữa, toàn diện hơn nữa và đột phá hơn nữa.
Đã là đề án, phải có định hướng cụ thể, mạch lạc, toàn diện nhưng vẫn phải có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên. Với nguồn lực hiện nay, dàn trải là chết. Thứ trưởng Sang phân tích và yêu cầu cơ quan soạn thảo Đề án phải bám sát thực tiễn, giải pháp đưa ra phải đột phá cả về hạ tầng, đội tàu, nguồn nhân lực...
Cùng với đó, Cục Hàng hải Việt Nam phải rà soát ý kiến góp ý cho Đề án, trực tiếp làm việc với từng hiệp hội, kể cả các chủ tàu có kinh nghiệm, làm rõ những gì còn vướng mắc, những quy định, Nghị định thậm chí là Luật nào cần sửa đổi và sửa đổi cái gì, như thế nào. Mọi thứ có rõ ràng cụ thể thì việc triển khai mới dễ dàng, hiệu quả.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, doanh thu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ước đạt hơn 4.700 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 955 tỷ đồng. Riêng khối cảng biển (15 cảng) lợi nhuận ước đạt 464 tỷ đồng, đóng góp 49% vào lợi nhuận toàn VIMC.
Trước đó, năm 2021, lợi nhuận trước thuế năm 2021 khối cảng biển ước đạt hơn 2.200 tỷ đồng, chiếm 78% tổng lợi nhuận hợp nhất toàn VIMC. Nổi bật là nhóm cảng liên doanh như: Cảng SSIT ước lãi gần 140 tỷ đồng, CMIT ước lãi gần 90 tỷ đồng.
Riêng Cảng Quy Nhơn, từ sau khi VIMC chính thức tiếp nhận (5/2019), các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh liên tục tăng trưởng, lợi nhuận đạt 400 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm ban đầu.
Theo đánh giá của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, trong hai năm trở lại đây doanh nghiệp có sự hồi sinh mạnh mẽ của đội tàu.
Đến quý 1/2022, khối vận tải biển tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực với lợi nhuận toàn khối ước đạt 467 tỷ đồng.
Năm 2022, VIMC sẽ tập trung thực hiện cơ cấu lại đội tàu; Hợp tác với MSC nghiên cứu phát triển đội tàu container và mạng lưới feeder vận chuyển container kết nối các cảng biển của Việt Nam, hợp tác tham gia trên các tuyến vận tải nội Á và liên châu lục.