Thủ tướng đề nghị hoãn tăng lương
Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, sáng 20/5, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét loạt cơ chế đặc thù trong tình hình mới.
Theo Thủ tướng, so với cuối năm 2019 tình hình có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều do tác động bởi Covid-19. Do đó, ông đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu từ 1/7/2020 để "cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách".
Trước đó, theo nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 vào cuối năm 2019, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng một tháng từ 1/7. Mức này tăng khoảng 110.000 đồng so với năm 2018 (tương đương 7%).
Về tăng trưởng kinh tế, ông nhìn nhận, mục tiêu tăng GDP 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được. Vì thế Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, thu - chi ngân sách, bội chi, nợ công... Các chỉ tiêu cụ thể sẽ được cơ quan này báo cáo Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Dù vậy, theo lãnh đạo Chính phủ, vẫn có những thời cơ mới mở ra sau đại dịch khi làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đã bắt đầu. Trong đó, Việt Nam có thể là một trong những điểm đến tiếp theo của các nhà đầu tư, tập đoàn đa quốc gia.
Thực tế này, Thủ tướng nhấn mạnh, đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư.
Ông cho biết, Chính phủ sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia gắn với chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Đồng thời, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước, đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường nội địa quy mô gần 100 triệu dân. Việc này giúp từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính hệ thống và năng lực cốt lõi, có sức đề kháng mạnh mẽ, chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài.
Nhưng ở chiều ngược lại, lãnh đạo Chính phủ nói sẽ có biện pháp phù hợp tránh tình trạng doanh nghiệp trong nước bị lợi dụng thâu tóm, sáp nhập.
Ngoài thiết lập lại chuỗi cung ứng trong nước, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cũng được xem là "biện pháp quan trọng hàng đầu" thúc đẩy tăng trưởng. Các dự án hạ tầng trọng điểm như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành... sẽ được quyết liệt triển khai để tạo tính lan toả, kết nối vùng, miền.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, muốn phục hồi kinh tế sau đại dịch hiệu quả, Chính phủ cần thực chất cải cách hành chính, phát triển doanh nghiệp trong nước thông qua các cơ chế, giải pháp phát triển sản xuất, tiêu dùng hàng hoá dịch vụ nội địa.
"Công tác dự báo, giải pháp đón đầu tái mở cửa, xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, cơ sở sản xuất từ các nước sang Việt Nam cần được nghiên cứu kỹ lưỡng", ông Thanh góp ý.
Song song đó, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, Chính phủ cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn.
Trước thực tế này, Thủ tướng đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển; chuyển đổi các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công do huy động vốn tín dụng cho các dự án rất khó khăn.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội miễn, giảm thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. "Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới khi Covid-19 kéo dài trên toàn cầu", Thủ tướng kiến nghị.