Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển nhà ở xã hội quan trọng nhất là tháo gỡ cơ chế huy động nguồn lực

06/11/2022 15:36 GMT+7
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trong đó, có nội dung về phát triển nhà ở xã hội gặp khó khăn, liên tục thiếu nguồn cung được Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời trước Quốc hội và cử tri cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn về nhà ở xã hội

Tham gia chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) nêu vấn đề về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cử tri cả nước hết sức quan tâm. Trong đó, nhiều người có nhu cầu nhưng nguồn cung thiếu. Hơn nữa, các quy định hiện hành có nhiều điều kiện khiến người lao động có thu nhập thấp rất khó đáp ứng. Do đó, đại biểu đặt câu hỏi tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian tới Chính phủ có chính sách gì để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân?

Trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết về chính sách phát triển nhà ở xã hội, chúng ta bàn rất nhiều, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng đã nói rõ. Quan trọng bây giờ là nguồn lực và phải tháo gỡ cơ chế để huy động nguồn lực, trong đó có hợp tác công tư. Ví dụ, như việc doanh nghiệp họ muốn mua nhà cho công nhân thuê lại nhưng đang vướng Luật, do vậy phải rà soát lại quy định pháp luật để sửa nội dung này.

"Tôi thấy các nước làm nhiều nhà ở xã hội với 3 nội dung gồm nhà mua, thuê và thuê mua nhưng nước ta chưa làm nhiều. Đây là vấn đề chính sách, cần phải nghiên cứu thêm việc này, tính toán thêm phương thức nhà ở xã hội cho thuê. Ai có tiền thì phải mua ngay, ai không có tiền thì thuê mua. Sau quá trình thuê 10 năm, 20 năm người ta trả xong tiền mua nhà, đó gọi là thuê mua" Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển nhà ở xã hội quan trọng nhất là tháo gỡ cơ chế huy động nguồn lực - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn. Ảnh Báo Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời cũng cho rằng cần nghiên cứu thêm vấn đề quy hoạch phát triển nhà ở xã hội. Như quy định hiện hành, một dự án chung cư cao cấp phải dành 20% để làm nhà ở xã hội.

"Thực tế cho thấy, nhà ở xã hội có những bất cập về hạ tầng và các dịch vụ khác. Chúng ta cần phải nghiên cứu cải tiến như thế nào cho phù hợp, sát với thực tiễn và có tính khả thi hơn, vừa đảm bảo xây dựng khu đô thị nhưng cũng phải đảm bảo được 20% quỹ nhà ở xã hội", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Cùng tham gia chất vấn, đại biểu Bùi Xuân Thống (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) khẳng định, các chính sách an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Hiện Chính phủ đã có nhiều giải pháp để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Trước thực trạng này, đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết các giải pháp để giải quyết các vấn đề trên?

Trả lời đại biểu Bùi Xuân Thống về các giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam có nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Một là công ăn việc làm. Hai là đảm bảo quyền lợi cho người có công. Ba là xóa đói giảm nghèo. Bốn là đảm bảo bảo hiểm xã hội cho các đối tượng khác nhau…

"Chưa bao giờ chúng ta làm về an sinh xã hội lớn như hiện nay. Cho đến giờ, chúng ta chi ra là 87.000 tỷ đồng cho gần 56 triệu người và hơn 800 người sử dụng lao động. Đây là một việc làm rất lớn của cả hệ thống chính trị chúng ta, trong đó có sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết đặc biệt, như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đề cập, tới đây, về nhà ở, chúng ta đưa ra Chương trình xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Phát triển nhà ở xã hội cần có thêm chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000m2. Cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.718.000m2. Trong đó, 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển nhà ở xã hội quan trọng nhất là tháo gỡ cơ chế huy động nguồn lực - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phát triển nhà ở xã hội quan trọng nhất là nguôn lực (Ảnh: TN)

Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi nền kinh tế, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000m2 sàn xây dựng; đồng thời đã khởi công 17 dự án với tổng số khoảng 31.230 căn, trong đó, nhà ở xã hội 14 dự án quy mô 27.870 căn, nhà ở công nhân 03 dự án quy mô 3.360 căn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ Xây dựng đang tiếp tục tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Trong đó, sửa đổi các cơ chế, chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, các quy định cụ thể: Đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án và các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước…


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục